Hơn 60.000 thầy thuốc đông y đang hoạt động không phép

Thứ Ba, 23/06/2015 11:18  | Hải Triều (ghi)

|

(CAO) Cả nước hiện có 70.000 đông y đang hoạt động nhưng có tới 60.000 người đang hoạt động không phép vì chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Bên lề Quốc hội sáng nay (23-6), Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Trần Văn Bản (ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết những người được cấp chứng chỉ hành nghề là phần lớn là những thầy thuốc, bác sỹ đông y và các y sỹ học ở các Trường Y học cổ truyền.

Ông Trần Văn Bản,  Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: Xuân Hải

“Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2011 thì phải có giấy chứng nhận là đông y rồi mới cấp phép hành nghề đông y. Tức là giấy chứng nhận đông y tương đương như một văn bằng y sỹ hoặc bác sỹ” - ông Bản phân tích.

Phóng viên: Vậy hiện nay có bao nhiêu người có giấy chứng nhận là đông y, thưa ông?

Ông Trần Văn Bản: Theo luật mới, đương nhiên những người đã hết giấy phép hành nghề đông y đều trở thành không có giấy chứng nhận đông y và chưa một ai có giấy chứng nhận đông y. Trong 70.000 hội viên Đông Y cả nước hiện nay, chỉ có khoảng gần 10% hội viên có giấy chứng nhận đông y vì có đợt chuẩn hóa lương y của Bộ Y tế. Lúc đó có quy định những người nào có nhu cầu để chuyển từ lương y thành lương y quốc gia thì phải đi học và lấy đó để hành nghề.

- Theo ông, vướng mắc hiện nay về việc cấp chứng chỉ hành nghề đông y là gì?

- Nó nằm ở Thông tư 41 do Bộ Y tế ban hành ngày 14-11-2011 về Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khi ban hành thông tư này người ta quên mất phần hướng dẫn dành cho đông y mà chỉ dành cho các bác sỹ, y sỹ. Do đó, việc hướng dẫn cấp chứng nhận hành nghề đông y là do Cục y học dân tộc cổ truyền triển khai. Tuy nhiên, Cục này đã dự thảo thông tư chuẩn hóa về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề đối với lương y đến lần thứ 24, 25 rồi nhưng vẫn chưa ban hành được. Cụ thể là từ khi Luật có hiệu lực (1-1-2011), và Bộ Y tế đã 24 lần soạn dự thảo thông tư rồi, nhưng đến bây giờ qua hơn 4 năm vẫn chưa ban hành được.

- Việc chậm trễ ban hành thông tư này là do đâu, thưa ông?

- Là do quan điểm mỗi Cục, Vụ của Bộ Y tế khác nhau. Bây giờ họ cứ áp quy định của tây y sang đông y là không được, bởi vì đông y là “cha truyền, con nối”, tự học, tự nghiên cứu sách, ngày xưa người ta nói “quá nho, thành y”. Tôi nói ví dụ như cụ Hải Thượng Lãn Ông, các cụ cũng là quá nho thành y, chứ không phải là người không có học vấn, thế nhưng Bộ cứ đi đòi người ta bằng cấp thì không thể có được.

Đó là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm hết sức rõ ràng, nếu quan điểm mà không rõ và đòi hỏi bằng cấp này, bằng nọ thì không thể thực hiện được.

Ông Trần Văn Bản đang phát biểu. Ảnh: Xuân Hải.

- Ông có cho rằng vướng mắc trên đã dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn trong những người hành nghề đông y hiện nay không?

- Trong số lương y hiện nay có những người rất đàng hoàng, rất nghiêm chỉnh học hành rất bài bản, có truyền thống, nhưng ngược lại có cả những người học được một hai bài thuốc cũng tự nhận là lương y chữa bách bệnh. Do mình chưa cấp được giấy phép cho người ta nên trắng, đen lẫn lộn, người chuyên môn thật thì lại có rất ít người quan tâm còn ông chuyên môn giả lại rất nhiều người đến khám. Vì ông chuyên môn thật không quảng cáo, không cần đến hoa tiêu giới thiệu, còn ông không có chuyên môn lại đi quảng cáo để thu hút bệnh nhân như vậy là rất nguy hiểm.

Lần nào tôi kiến nghị thì Bộ trưởng cũng nói rằng sắp sửa ban hành Thông tư chuẩn hóa về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề đối với lương y và tại hội nghị Ban Chấp hành Hội Đông y Việt Nam vào tháng 12-2014 vừa qua Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên có nói rằng đến 30-12-2014 sẽ ban hành Thông tư này. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa ban hành được. Ngay cả khi tôi hỏi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thì Bộ trưởng cũng nói rằng mấy hôm nữa là xong. Bộ trưởng cũng đã hứa 2 - 3 lần với tôi như vậy rồi và nói rằng đã giao cho chị Xuyên, mấy hôm nữa chị Xuyên ban hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang