(CAO) Sáng 20-6, Hội đồng nhân dân TP.HCM tiến hành giám sát tiến độ cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 28/2014/NQ-HĐND.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị ngành y tế kiểm định chất lượng nước sinh hoạt mà người dân sử dụng từ nhiều nguồn, phải công bố rõ từng khu vực nhiễm chất gì, gây ra những bệnh gì để người dân biết tránh sử dụng. Các ban ngành, đoàn thể tăng cường vận động cũng như báo đài đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi thói quen sử dụng nước sạch, không nên sử dụng nước ô nhiễm. Theo bà Tâm, hiện nay một số khu vực nước sạch đã tới tận nơi, nhưng bà con vẫn còn sử dụng nước ô nhiễm mà không biết tác hại của nó.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại buổi giám sát
Theo báo cáo, ngành y tế tổ chức kiểm tra chất lượng nước đối với các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch tại 1.400 vị trí thuộc 7 quận - huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức, Quận 12) để xét nghiệm theo Quy chuẩn Việt Nam 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Kết quả như sau: 58 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý (đạt 4,14%), hầu hết các mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý là do độ pH thấp, hàm lượng sắt cao; 1.299 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh (đạt 92,8%); 45 mẫu đạt cả chỉ tiêu hóa lý và vi sinh (đạt 3,21%). Như vậy, chất lượng nước ngầm hầu hết không đạt Quy chuẩn Việt Nam 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân các quận - huyện phương pháp xử lý nước tại các hộ gia đình. SAWACO đã thiết kế thiết bị xử lý hộ gia đình mẫu và đã triển khai thực hiện thí điểm một số khu vực huyện Bình Chánh.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế, phát biểu về chất lượng nước sạch
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế, khuyến cáo một số hoạt chất có trong nước ô nhiễm nguy cơ gây bệnh. Chẳng hạn nước có độ pH thấp, vị chua làm hư thực phẩm, gây ngứa da; vi sinh cao (vi khuẩn ecoli và coliform) gây ra tiêu chảy, thương hàn, kiết lỵ; có sắt cao, nước nhiễm phiền có mùi tanh, làm mất mùi vị thực phẩm làm cho bụng đầy hơi khó tiêu, ngứa da; mangan cao sẽ dẫn đến bệnh tim mạch; clorua cao làm cho huyết áp tăng, sỏi thận; amoni cao là nước bị ô nhiễm từ phân rác hữu cơ, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư…
Về quản lý khai thác nước ngầm, thành phố đang triển khai dự án điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên toàn địa bàn thành phố, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Không xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất cho mục đích sinh hoạt. Giảm lượng nước khai thác phục vụ cho sinh hoạt đối với các đơn vị sản xuất đang khai thác nước dưới đất.
Khi xem xét gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất, xem xét rõ nhu cầu sử dụng nước, đồng thời yêu cầu chủ đơn vị xây dựng lộ trình chuyển đổi nguồn nước sử dụng từ nước ngầm sang nước nước sạch đối các cơ sở sản xuất đang có giếng khai thác nước dưới đất. Thành phố đang xây dựng kế hoạch trám lấp giếng và chính sách hỗ trợ trám lấp giếng trên địa bàn thành phố.