Nga và Hy Lạp cùng tháo gỡ mối thắt

Thứ Bảy, 20/06/2015 22:46  | Bảo Tâm

|

(CAO) Trong khuôn khổ "Diễn đàn kinh tế thế giới St-Petersbourg" lần thứ 19 được tổ chức trong ba ngày 18- 20-06-2015 tại Nga, thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã nhận được sự giúp đỡ của tổng thống Nga Putin qua dự án xây dựng hệ thống cung cấp gaz Turkish Stream đến Hy Lạp với trị giá là 2 tỷ Euro.

Ngược lại, Hy Lạp sẽ cung cấp thực phẩm và nông phẩm cho Nga. Sự hợp tác Nga – Hy Lạp sẽ cứu vãn phần nào tình thế bị o ép về kinh tế cho cả hai quốc gia.

Tin mới này làm cho cuộc họp sắp đến của các nhà lãnh đạo các quốc gia Liên minh châu Âu thêm bối rối về vấn đề nợ công của Hy Lạp. Cũng như việc Hy Lạp rút hay không rút ra khỏi khu vực đồng Euro và luôn cả Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras và tổng thống Nga Putin

Hai bộ trưởng Bộ năng lượng về phía Nga là ông Alexander Nowak và về phía Hy Lạp là ông Panagiotis Lafazanis đã cùng ký thỏa thuận hợp tác chung trong dự án này. Hệ thống cung cấp gaz sẽ được hoàn tất nhanh chóng vào năm 2019.

Từ địa điểm cung cấp Anapa (Nga) mỗi năm sẽ có 63 tỷ mét khối gaz được cung cấp cho Hy Lạp.

Ngoài Thổ Nhĩ kỳ và Hy Lạp, các nước khác như: Hungary, Macedonie và Serbie cũng lên tiếng có nhu cầu được cung cấp nhiên liệu gaz từ Nga. Hệ thống Turkish Stream thay thế dự án mang tên Pipeline South Stream xuyên qua Bulgarie để đến các nước châu Âu, hiện nay đã bị bãi bỏ.

Ngân hàng thế giới phỏng đoán sự thiệt hại kinh tế của Nga trong năm 2015, do bị phong tỏa, cấm vận từ khối Nato, có thể lên đến 2,7% PIB của Nga. Riêng thị trường xe hơi tại Nga đã bị giảm xuống từ 25% đến 50%, con số do bộ trưởng bộ kỹ nghệ Nga, ông Denis Manturow cung cấp tại St-Petersbourg.

Trong khi đó tại Hy Lạp, dân chúng tiếp tục dự trữ xăng dầu, thực phẩm và rút tiền từ tài khoản của họ, nhưng không có dấu hiệu bấn loạn. Tuy họ vẫn rất quan tâm theo dõi tình hình thời sự.

Dân chúng Hy Lạp theo dõi các hàng tít lớn ở quầy bán báo

Trong tuần này, dân chúng đã rút ra 4,2 tỷ Euro. Từ đầu tháng một 2015 cho đến tháng 4-2015, dân chúng Hy Lạp đã rút tổng cộng khoảng 32 tỷ Euro. Còn tình hình rút tiền từ đầu tháng 5 cho đến giờ chưa được thông báo.

Số nợ của Hy Lạp đối với các quốc gia thuộc khu vực Euro chỉ có 305 tỷ Euro, so với khối nợ của nước Pháp thì "không thấm vào đâu". Sự việc trở nên căng thẳng liên tục vì chính phủ Hy Lạp không đồng ý bị bắt buộc phải sử dụng các biện pháp "cải tổ" bằng cách cắt giảm "thâm sâu" và nhanh chóng lương hưu.

Cắt giảm mức lương lao động và các điều kiện lao động của dân chúng theo như ý muốn của các chủ nợ. Sự phong tỏa cấm vận để trừng phạt nước Nga của khối Nato, dẫn đầu là Mỹ, trên thực tế đã làm suy yếu cả hai bên, bên bị cấm vận và bên ra lệnh cấm vận. Lý do đơn giản là các hoạt động kinh tế đều có tác dụng cung và cầu qua lại.

Trong khuôn khổ cấm vận kinh tế, nước Đức bị mất khoảng 500.000 công ăn việc làm cho dân chúng, trong khi tổng số mất công ăn việc làm cho dân chúng trong khối Liên minh châu Âu lên đến 2.000.000.

Lệnh cấm vận từ khối Nato không cho phép các nước châu Âu xuất cảng thực phẩm và nông phẩm như: sữa, trái cây, rau xanh, phó mát và thịt... sang Nga. Các nước có nguồn thâu nhập lớn từ nông, thực phẩm như: Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan đều bị chính lệnh cấm vận của mình tự làm suy yếu.

Nếu tính bằng tiền thì các nhà kinh tế cho rằng, nước Đức bị thiệt hại 27 tỷ Euro. Thị trường trong các nước nói trên bị ứ đọng thực phẩm, dù giá hạ. Nhưng khả năng tiêu thụ lại giảm vì bão hòa hay dân chúng không có sức tiêu thụ vì bị thất nghiệp, bị giảm lương hưu, tăng tuổi hưu,...

Tại "Diễn đàn kinh tế thế giới St-Petersbourg" tổng thống Nga đã phát biểu về phương án chiến lược trong quan hệ hợp tác và xây dựng một khu vực kinh tế với các quốc gia thuộc vùng "châu Á Thái Bình Dương".

Bình luận (0)

Lên đầu trang