Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

Thứ Hai, 05/06/2023 18:10

|

(CAO) Các tổ chức tín dụng là phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo công khai để người ta biết được nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Trong phiên họp chiều 5-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tại lần sửa đổi này, để hạn chế sở hữu chéo, dự thảo luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Các TCTD

Dự luật cũng điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (NHTM), ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu đồng tình với việc chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Nhìn nhận tình trạng này “diễn biến rất phức tạp”, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bình luận, dù trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu kéo dài từ năm 2011 đến nay, nhưng việc xử lý các TCTD yếu kém, “có vấn đề”, diễn ra chậm chạp, không đạt mục tiêu dự tính.

“Trên thực tế, mối quan hệ sở hữu chéo thể hiện qua sở hữu cổ phần, góp vốn chỉ là bề nổi, đã và đang được nhiều tổ chức phù phép “tái cơ cấu” để giảm bớt đáng kể tỷ lệ này. Nhưng phần phức tạp hơn là thông qua các công ty con để vừa là cổ đông, vừa là chủ nợ, đứng tên cá nhân và các tổ chức khác, tận dụng các vai trò này để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận ảo, phát hành tăng vốn ảo, chiếm dụng vốn và thao túng cổ phiếu…” - đại biểu Đồng phản ánh.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến thảo luận

Do mạng lưới phức tạp trong mối quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, đại biểu Đồng chỉ ra, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra hiệu ứng domino không chỉ trong hoạt động ngân hàng. Vì vậy, đại biểu của Quảng Trị nhận định, cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt/hạn chế những vụ việc qui mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc ngân hàng SCB - Vạn Thịnh Phát gần đây.

Chung quan điểm, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) phàn nàn, nhiều báo cáo đều nói về sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng và yêu cầu phải khắc phục ngay, “nhưng khó quá hay sao mà đến giờ này vẫn chưa xong”.

Theo đại biểu Huy, tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm được, nhưng dự luật cũng chưa đề ra được quy định phòng ngừa, khắc phục những hạn chế trong chồng chéo, mâu thuẫn.

Lưu ý ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng các tổ chức này phải đáp ứng quản trị hiện đại, công khai, minh bạch. “Nhưng các nhóm cổ đông lớn đã ngầm liên kết chi phối hoạt động ngân hàng, thao túng hoạt động ngân hàng” - đại biểu Nam phản ánh.

Đề cập đến tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và công ty tài chính, ông Nam nêu thực tế có hiện tượng lách luật về tỷ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp hay lĩnh vực nào đó thông qua “vốn bật tường”, từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B.

“Quy định của luật đã đủ để khắc phục tình trạng này hay chưa” - ông Nam nêu vấn đề.

Nhấn mạnh sở hữu chéo ngân hàng là lực cản với năng lực cạnh tranh sòng phẳng, công bằng và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, đại biểu Thừa Thiên Huế đề nghị cần có biện pháp xử lý căn cơ hơn. Trong kiến nghị sửa luật lần này, theo ông, cần tăng trách nhiệm cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.

Theo đó, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng có thể điều tra chống gian lận tài chính, gian lận trong sở hữu tỷ lệ cổ phần của cổ đông lớn ngân hàng…

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nêu quan điểm 

Khẳng định việc sửa đổi luật là cần thiết, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, muốn kiểm soát, ngăn ngừa sở hữu chéo thì cần có lộ trình giảm số lượng các NHTM.

“Chưa nước nào có nhiều NHTM nhiều như chúng ta” - ông Trí phản ánh, thực tiễn cho thấy những ngân hàng đã được thanh tra, kiểm tra chỉ thấy phục vụ cho các DN trong hệ sinh thái của mình.

“Huy động tiền của dân nhưng khi cho vay lại chỉ cho vay những DN trong hệ sinh thái của mình. Khi xảy ra vấn đề, vì sự ổn định xã hội, vì người dân, NHNN phải gánh, nhà nước phải gánh…” - ông Trí chỉ ra. Do đó, ông yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm kỷ cương cho vay đúng nghĩa của TCTD.

Cùng nói về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, trong một số luật của các nước, các NHTM, TCTD phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo công khai về nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, TCTD.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý các TCTD yếu kém, Trung ương cũng yêu cầu chấm dứt sở hữu chéo. “Mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Sửa luật lần này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải làm sao để các TCTD hoạt động đàng hoàng, đảm bảo công khai, minh bạch. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang