4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn

Thứ Hai, 05/06/2023 17:46  | Hải Triều

|

(CATP) Tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tuần này sẽ dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và 4 Bộ trưởng được lựa chọn lên "ghế nóng" kỳ này gồm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

Gần 1 triệu người rút bảo hiểm một lần

Gửi báo cáo đến Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là 997.470 người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.

Giai đoạn 2016 - 2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người, chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hưởng BHXH một lần được Bộ trưởng Dung chỉ ra, trong đó chủ yếu là do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều nên khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.

"Hầu hết lao động trẻ chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già” - ông Dung phản ánh. Cùng với đó là tình trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động.

Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, đến cuối tháng 4 và tháng 5, sản xuất kinh doanh diễn biến khó khăn hơn, kéo theo vấn đề lao động, việc làm. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Tương ứng với đó, 509.903 lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng).

Bốn Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trong tuần này (từ trái qua: Đào Ngọc Dung, Hầu A Lềnh, Huỳnh Thành Đạt, Nguyễn Văn Thắng)

Số vụ phá rừng tăng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin khi báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn. Ông Hầu A Lềnh cho biết, bằng nhiều chính sách, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã hỗ trợ giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 đã có 9.523 hộ được hỗ trợ đất ở với diện tích 72 ha; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283 ha; 21.233 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong đó số hộ được hỗ trợ nghề nông nghiệp là 20.670, nghề phi nông nghiệp là 559, nghề khác là 4 hộ...

Mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đã được nâng lên, như các hộ được hỗ trợ đất ở sẽ được NSTW hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, NSĐP hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 50 triệu đồng/hộ; các hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất được NSTW hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ và vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 77,5 triệu đồng/hộ.

Dù vậy, do nguồn lực được phân bổ rất hạn chế, theo ông Hầu A Lềnh, hầu hết các mục tiêu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia không hoàn thành. Nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; có nơi giá đất quá cao, mức hỗ trợ theo quy định hiện hành không thể thực hiện được.

Đời sống và sản xuất của một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội do chưa được công nhận tư cách pháp nhân (chưa được đăng ký hộ khẩu).

Cạnh đó, mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng. Năm 2022, số vụ phá rừng là 3.418 vụ, tăng 538 vụ (tăng 19%), diện tích bị tác động là 952 ha, giảm 74 ha (giảm 7%) so với cùng kỳ năm 2021. Một số điểm nóng về tình trạng phá rừng được nhắc đến tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn... Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất sản xuất, trồng cây nông, lâm nghiệp.

Đầu tư cho khoa học, công nghệ và môi trường còn hạn chế

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt đề cập đến khi báo cáo Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn. Ông Huỳnh Thành Đạt cho biết, dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm huy động, khuyến khích nguồn vốn xã hội, các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển KHCN, nhưng tổng đầu tư xã hội cho KHCN và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) còn thấp, đầu tư còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả đầu tư chưa cao.

Cơ chế quản lý tài chính, định mức tài chính, thủ tục cấp phát kinh phí KHCN còn bất cập; giải ngân chậm và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước cho KHCN chưa đạt 100%. Ông Đạt cũng chỉ ra, cơ chế, chính sách hữu hiệu để huy động nguồn lực của xã hội còn thiếu, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp. Đáng chú ý, cơ chế tài chính chưa khuyến khích cho việc khoán đến sản phẩm cuối cùng.

"Cơ chế, chính sách đầu tư công, tài chính công chưa "cởi trói" cho hoạt động KHCN&ĐMST, mang nặng tính kiểm tra, giám sát tài chính, dàn trải, thiếu tập trung hơn là tháo gỡ khó khăn, dựa trên đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư để khuyến khích và ưu tiên" - Bộ trưởng Bộ KHCN nhìn nhận.

Trong khi đó, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN&ĐMST chưa đi vào cuộc sống do có những yêu cầu về thủ tục rườm rà và không thuận lợi với doanh nghiệp. Thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nguồn NSNN tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa thuận tiện với doanh nghiệp. Đồng thời, ông Đạt thừa nhận số lượng sản phẩm KHCN được ứng dụng vào sản xuất và đời sống còn khiêm tốn.

Nêu giải pháp, bên cạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Nhà nước cần đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu có nhiều rủi ro, độ trễ, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST...

Giải quyết nhanh tình trạng thiếu hụt đăng kiểm viên

Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề cập trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn.

Ông Thắng cho biết, từ tháng 10/2022 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố, bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm (TTĐK), đã có 106/281 (khoảng 38%) trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra.

Đối với phương tiện thủy, đã điều tra, khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo và đăng kiểm viên của Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN). Đến thời điểm hiện nay, có 68 vụ án đã khởi tố, khám xét 103 TTĐK, 4 chi cục Đăng kiểm; khởi tố gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau.

Việc tạm dừng TTĐK và thiếu hụt đăng kiểm viên đã dẫn đến ùn ứ trong việc phục vụ người dân; đặc biệt có những thời điểm, tại Hà Nội chỉ có 06/31 (khoảng 19%) và TPHCM có 8/19 (khoảng 42%) TTĐK hoạt động, tạo ra sự khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm.

Để khắc phục, trước mắt, ông Thắng cho biết, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm để khẩn trương sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng đăng kiểm viên và tình hình ùn tắc tại các TTĐK trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM như yêu cầu các TTĐK bố trí làm việc thêm giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật, ngày lễ; khuyến cáo, thông tin kịp thời đến người dân và doanh nghiệp về việc chủ động bảo dưỡng sửa chữa phương tiện trước khi đưa xe đăng kiểm; ứng dụng phần mềm, công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đăng ký lịch đăng kiểm...

Bộ cũng ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đã giảm được khoảng 500.000 lượt đăng kiểm đối với xe đăng kiểm lần đầu, giảm tải cho các TTĐK cũng như kéo dài chu kỳ kiểm định cho xe đang lưu hành nhận được nhiều phản ánh tích cực từ cộng đồng, người dân; chỉ đạo các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất kiểm tra công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các TTĐK...

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT theo trình tự rút gọn để cho phép tự động gia hạn chu kỳ kiểm định theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT đối với ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, theo đó, chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại...

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra từ 06/6 đến hết buổi sáng 08/6 dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung là người trả lời đầu tiên với nội dung về phát triển nguồn nhân lực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội cũng là những vấn đề được đặt ra với người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH.

Đăng đàn kế tiếp là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Nhóm nội dung dành cho ông Hầu A Lềnh gồm Chương trình mục tiêu quốc gia; Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn...

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt là thành viên Chính phủ tiếp theo lên "ghế nóng". Ông Đạt sẽ trả lời về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ... cũng được cử tri, đại biểu quan tâm gửi tới Bộ trưởng Bộ KHCN.

Là Bộ trưởng cuối cùng trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng sẽ làm rõ các giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Ông Thắng cũng sẽ trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa...

Chia lửa với các Bộ trưởng trả lời trực tiếp là các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực cùng các Bộ trưởng có trách nhiệm liên quan đến các nhóm vấn đề được đặt ra.

Kết thúc phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang