Chủ tịch UBND TPHCM: Có giải pháp ngăn chặn DN ngừng hoạt động

Thứ Năm, 23/07/2020 17:14

|

(CAO) Sáng 23/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND TP gồm: Lê Thanh Liêm, Võ Văn Hoan, Ngô Minh Châu, Dương Anh Đức. Đại diện các sở, ngành, quận, huyện.

Ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 614.591 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 403.540 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) có xu hướng giảm, ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 10,1%), cao hơn tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giảm 3,7%). Việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ trong 6 tháng là nhờ 4 yếu tố về nguồn cung sản phẩm, hành vi tiêu dùng, hệ thống phân phối và chương trình khuyến mãi.

Về tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) 6 tháng ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). Hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP nhìn chung ổn định. Trong đó, các hoạt động chính như huy động, cho vay và dịch vụ ngân hàng… đều duy trì hoạt động và tăng trưởng nhẹ so với cuối năm trước, đặc biệt ngành ngân hàng trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp của TP 6 tháng ước tăng 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,0%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 2,0% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,5%). Về giá trị gia tăng ngành nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn TP ước tăng 3,11% so với cùng kỳ.

Về thu chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà cho hay: Số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm là 164.503 tỷ đồng, đạt 40,54% so với dự toán, bằng 86,59% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Minh Thư)

Xây dựng kịch bản nâng cao năng lực cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực

Tại buổi họp, Giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà cho rằng: Để thực hiện đảm bảo nhiệm vụ chi, tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu trong 6 tháng cuối năm, TP tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kích cầu, triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa để tạo nguồn thu cho ngân sách TP.

Đồng thời, TP đẩy mạnh công tác sắp xếp nhà đất do TP quản lý; đối với những nhà đất đã phê duyệt phương án đấu giá TP sẽ đẩy mạnh việc đấu giá để tạo nguồn thu cho TP. Cũng như giao Cục Thuế TP, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các dự án đủ điều kiện mà chưa nộp tiền sử dụng đất để triển khai tập trung thu trong 6 tháng cuối năm.

Mặt khác, đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn chi đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, TP chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn lớn đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Đồng thời, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trên cơ sở tuân thủ các quy định của Ngân hàng Trung ương về tín dụng, lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp khôi phục phát triển ngành du lịch với 5 nhóm giải pháp, chú trọng kích cầu du lịch nội địa; tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa DN với chính quyền các cấp; rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, kiên trì kiến nghị Trung ương điều chỉnh các bất cập, không đồng bộ giữa các quy định pháp luật đầu tư, đất đai, nhà ở. Rà soát, xây dựng kịch bản nâng cao năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm chủ lực của TP.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần tập trung thực hiện một số giải pháp.

Cụ thể, Tổ công tác hỗ trợ DN, thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn phải duy trì và đề xuất các biện pháp hiệu quả theo từng giai đoạn, từng tháng, từng quý. Trong đó, chủ trì làm việc với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao dự báo với việc cắt giảm đơn đặt hàng sẽ có bao nhiêu DN ngừng hoạt động, làm mất việc bao nhiêu người lao động.

Sở Công thương, dự báo số đơn hàng bị cắt giảm. Chủ tịch quận, huyện nên gặp gỡ, trao đổi với DN trên địa bàn xem có khó khăn và cái nào thuộc thẩm quyền quận thì xem xét giải quyết, còn với những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất TP xem xét giải quyết.

“Hơn bao giờ hết, trong lúc khó khăn, chúng ta cùng chia sẻ, giải pháp của chúng ta là phải nắm sát tình hình hoạt động của DN và có những giải pháp ngăn chặn DN ngừng hoạt động. Đã là kinh tế thì phải hết sức cụ thể, chứ không thể nói tăng cường hỗ trợ thế này, thế khác thì khó có thể đi đến kết quả cuối cùng” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đồng thời, lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, những dự án lớn hiện nay đang vướng mắc, TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đẩy nhanh tiến độ.

Còn những dự án giao cho các quận, các ngành hiện nay, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại và nếu cần thiết thì điều chuyển vốn, đơn vị nào làm không tốt thì năm tới tính toán việc giao vốn cho phù hợp, tinh thần trước ngày 15/10, các đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.

Cùng với đó, đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa; trong đó quan tâm sản phẩm du lịch, phải đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường liên kết, thực hiện các chương trình phối hợp giữa Sở Du lịch TP với Sở Du lịch các tỉnh, thành.

Mặt khác, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống kê lại các ngành thì ngành nào kinh tế số phát triển và triển khai kế hoạch cụ thể chương trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở TP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang