(CAO) “Đặc biệt” ở đây là ngoài giới hạn tuổi. Các trường hợp này sẽ được Ban Chấp hành Trung ương xem xét trong các hội nghị tiếp theo.
Ông Lê Quang Vĩnh, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư cho biết như vậy tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 10 và tập huấn công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, diễn ra sáng 14-10.
Thông tin về kết quả Hội nghị Trung ương 13 vừa diễn ra từ 5 - 9/10, ông Lê Quang Vĩnh chia sẻ, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua phương hướng công tác nhân sự khóa XIII, trong đó yêu cầu công tác nhân sự phải làm rất chặt chẽ, bài bản, khoa học, có kế thừa phương hướng công tác nhân sự các khóa trước.
Ông Lê Quang Vĩnh - Trợ lý Thường trực Ban Bí thư
Phương hướng công tác nhân sự quy định rõ độ tuổi tái cử ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức tới thời điểm Đại hội XIII năm 2021 là không quá 60 tuổi với Ủy viên Trung ương và không quá 65 tuổi với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Độ tuổi tham gia lần đầu là không quá 55. Trường hợp “đặc biệt” sẽ do Bộ Chính trị, Trung ương xem xét quyết định trình đại hội.
“Đặc biệt ở đây là ngoài giới hạn tuổi chứ không có gì khác” - ông Vĩnh giải thích.
Vẫn theo ông Vĩnh, tại hội nghị, Trung ương cũng cho ý kiến về việc tái cử của các Ủy viên Trung ương gồm cả chính thức và dự khuyết; bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương tái cử và lần đầu tham gia. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn tùy thuộc vào nhân sự của Trung ương.
“Trung ương mới chỉ xem xét các trường hợp tái cử hay tham gia lần đầu đều ở trong khung tuổi, tức là đủ tiêu chuẩn, điều kiện” – ông Vĩnh nói. Các nhân sự thuộc trường hợp “đặc biệt”, trên 60 tuổi đối với Ủy viên Trung ương, trên 65 tuổi đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các trường hợp đặc biệt tham gia lần đầu như một số bí thư tỉnh ủy chạm giới hạn tuổi, theo quy định là 55 tuổi mà nay 56 tuổi, thì chưa được xem xét. Việc này sẽ được Ban Chấp hành Trung ương xem xét trong các hội nghị tiếp theo.
Thông tin thêm, ông Vĩnh cho biết, tại hội nghị vừa rồi, theo đề cử của 116 cơ quan, cấp ủy giới thiệu 119 nhân sự tái cử, gồm cả chính thức và dự khuyết. Trong số này có một số đồng chí quá tuổi vẫn được giới thiệu. Nhưng giới thiệu hay không giới thiệu thì số quá tuổi này, Ban Chấp hành Trung ương chưa xem xét.
Ngoài ra, còn 107 người được giới thiệu tham gia Trung ương lần đầu và 44 người tham gia Ủy viên Trung ương dự khuyết. Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu số nhân sự này.
“Trung ương đã giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự căn cứ nghị quyết của Hội nghị Trung ương 13, báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự Trung ương khóa XIII, các ý kiến đóng góp của Trung ương để tiếp tục xem xét, rà soát kỹ, bổ sung và hoàn chỉnh phương án nhân sự theo đúng quy trình công tác nhân sự. Bên cạnh phương hướng, sẽ ban hành một quy trình để báo cáo Trung ương xem xét thông qua tại hội nghị Trung ương tiếp theo trước khi trình Đại hội XIII dự kiến vào đầu năm 2021” - ông Vĩnh cho biết.
Tới đây, theo ông Vĩnh, ngoài hội nghị Trung ương 14 thì còn có thể có các hội nghị Trung ương khác nữa trước khi diễn ra Đại hội XIII của Đảng.
Cũng chia sẻ tại hội nghị báo cáo viên, ông Đoàn Văn Báu, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương lý giải vì sao kết thúc Hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước lại nói: “Cho đến thời điểm này, tôi khẳng định là Hội nghị đã thành công rất tốt đẹp”.
Theo ông Báu, điều đó muốn nói rằng, các phương án nhân sự được làm rất chặt chẽ, chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
“Chưa bao giờ chúng ta làm bài bản và chặt chẽ như vậy và Tổng Bí thư đã nói “làm đến đâu, chắc đến đó”. Tất cả những gì Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương bàn đều được thống nhất rất cao” – ông Báu nói và khẳng định đây là thắng lợi trong công tác nhân sự, trong đó đặc biệt là vai trò của Trưởng Tiểu ban nhân sự là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.