(CAO) Câu chuyện tình đầy cảm động của chàng Chính trị viên Đại đội 7 - Trung đoàn 270 Pháo binh với cô tân binh của Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thuỷ (Quảng Bình) năm xưa được các cựu chiến binh Quảng Bình nhắc đi nhắc lại.
Mối tình đẹp như cổ tích đó được nhiều thế hệ bộ đội lưu truyền như lẽ sống, chiến đấu của bộ đội Cụ Hồ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại Quảng Bình, nhận nhiệm vụ đỡ đầu huấn luyện cho Đại đội nữ là Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 270 Pháo binh. Các chàng pháo thủ có kinh nghiệm được phân công kèm cặp các o tân binh.
Chính trị viên Đại đội 7 là Nguyễn Hữu Đạt sau nhiều lần tập bắn, nhiều buổi hội ý bàn bạc công tác đã nhắm được “mục tiêu” là nữ chính trị viên Trần Thị Thản, cô gái trẻ có duyên thầm. Cô gái Ngư Thủy là dân biển, tính thẳng thắn bộc trực, biết tình yêu của Đạt đã dành cho mình, nhưng cả hai người đều không dám thổ lộ, bởi chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 270 đã ra lệnh bộ đội cấm “léng phéng” khi tiếp xúc với Đại đội nữ. Mãi tới khi hai người cùng ra Quân khu 4 dự Đại hội chiến sĩ thi đua thì anh mới dám ngỏ lời yêu.
Năm 1971, đơn vị của Nguyễn Hữu Đạt có lệnh đi B. Biết đôi trai gái yêu nhau đã lâu, theo nguyện vọng hai gia đình, đơn vị cùng địa phương tổ chức đám cưới cho họ. Phòng cưới là căn nhà khá rộng, nửa nổi nửa chìm tránh bom, được trang trí bằng mấy cái dù pháo sáng. Hoa và bánh kẹo cũng tương đối đầy đủ, thuốc trà thì trung đoàn gửi mua từ Hà Nội vào, đây có thể xem là đám cưới thời chiến tương đối sang trong xã. Cả nhà trai và nhà gái thi nhau hát rất vui vẻ...
Tuần trăng mật của hai người chỉ vỏn vẹn 3 ngày, hai vợ chồng vừa gần gũi nhau chưa kịp bén hơi thì Trung đoàn được lệnh hành quân vào Nam gấp. Năm sau chị Thản sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thanh Bình. Nhưng khi Bình chưa đầy một tuổi thì chị Thản được tin anh Đạt hi sinh ở chiến trường Lào. Đau đớn, thương xót cho người chồng ra đi chưa biết mặt con. Đêm đêm chị khóc thầm và bế con ngóng về bên kia dãy Trường Sơn, nơi thỉnh thoảng lại có ánh chớp của bom tọa độ.
Các
nữ pháo thủ Ngư Thủy trong một lần họp mặt truyền thống
Sau khi anh Đạt hi sinh, huyện Lệ Thủy rút chị Thản lên công tác ở UBND huyện, chị nén nỗi đau để tập trung vào công tác phụ nữ, công việc Đảng giao. Nhiều cán bộ trong cơ quan ái ngại cho người vợ trẻ sớm mất chồng, họ chia sẻ công việc và động viên chị vượt qua khó khăn.
Năm 1975, miền Nam giải phóng, nhiều anh bộ đội đã trở về thăm quê, tim chị lại nhói đau nhớ chồng, chị thắp nén hương khấn anh, mong sao tờ giấy báo tử ghi nhầm. Thế mà điều chị mong lại trở thành sự thật. Khoảng gần nửa đêm cuối năm 1976 chị đang ngủ thấy có tiếng gõ cửa. Mở cửa, chị bàng hoàng khi thấy anh Đạt bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt... Rồi chị ngất xỉu. Cu Bình thấy “người lạ” vào nhà khóc ré lên, phải hơn tuần sau mới cho bố bế.
Chuyện “liệt sĩ” trở về ở đất nước ta không phải hiếm, nhưng trường hợp của anh Đạt có nhiều cảm xúc trong thời gian dài. Hai người sống với nhau hạnh phúc và sinh thêm hai người con gái nữa, nay đều là giáo viên. Còn “cu Bình” đã là sĩ quan quân đội, hiện đang công tác ngoài đảo La - hòn đảo tiền tiêu phía đông bắc tỉnh Quảng Bình.