(CAO) Ảnh hưởng của bão số 5 (bão Côn Sơn) gây mưa, gió quần quật nhiều tỉnh, thành miền Trung. Công an, Bộ đội đang dầm mưa gió hỗ trợ, giúp đỡ người dân chạy bão.
UBND huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), UBND xã Hòa Bắc và các đơn vị, lực lượng chức năng ngày 10-9 đưa 97 lao động ở trong rừng tràm đến nơi an toàn để tránh bão.
Công an tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số quê Quảng Ngãi làm thuê trong rừng ở huyện Hòa Vang.
Đa số là đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai... đến làm thuê cho các chủ rừng tràm trên địa bàn xã Hòa Bắc. 97 lao động bị mắc kẹt trong rừng từ khi TP.Đà Nẵng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 31-8 đến nay.
Một số trường hợp cả vợ chồng, con cái rời quê đến xã Hòa Bắc làm thuê kiếm sống. Hơn một tháng qua, UBND xã Hòa Bắc cùng các chủ rừng, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho gần 100 lao động này để họ sinh sống, bám trụ.
Hiện có 59 người xin được về quê và UBND xã Hòa Bắc đã báo cáo đến UBND huyện Hòa Vang để kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng có phương án hỗ trợ. Ngày 31-8, Công an TP.Đà Nẵng tổ chức đưa 16 lao động là người dân tộc Hrê bị chủ rừng bỏ rơi tại xã Hòa Bắc về quê huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Những cơn mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến các cầu tràn và tuyến đường độc đạo từ trung tâm xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đến thôn Cù Bai - Tà Păng (xã Hướng Lập) bị đứt gãy, hư hỏng nghiêm trọng. Hơn 200 hộ dân tại 4 thôn Cù Bai, Tà Păng, Tri và Cuôi bị cô lập, chia cắt; đời sống nhân dân bị ảnh hưởng lớn, học sinh ở các điểm trường lẻ không đến lớp…
Lực lượng Công an, Dân quân ở tỉnh Thừa Thiên Huế tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ứng trực mưa bão.
Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4) cùng thanh niên làm cầu, đường tạm đi qua các thôn bản để người dân đi lại. Chính quyền và lực lượng BĐBP tăng cường về các khu dân cư để vận động nhân dân thực hiện các phương án phòng chống bão, sẵn sàng di dời, sơ tán đến nơi an toàn…
Chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân các tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hối hả thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó bão Côn Sơn.
Các địa phương này đều vẫn đang nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 theo tinh thần “ai ở đâu yên đó” nhưng được chính quyền các cấp, các ngành tạo điều kiện để mua lương thực thực phẩm, chuẩn bị vật tư, thiết bị, giằng chống, gia cố nhà cửa, tàu thuyền, phương tiện thiết bị… để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ngày 11-9, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có rất to; các sông có khả năng xuất hiện một đợt lũ; mực nước thượng lưu các sông có thể trên báo động 2; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.
Nếu mưa lớn nhiều ngày, nước sông suối màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... là dấu hiệu của lũ quét nên người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn, sẵn sàng sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng…
Cầu tràn, đướng sá ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) bị sạt lở gây chia cắt.
Công an và Bộ đội tại Quảng Trị gia cố nhà cửa giúp người dân.
Bộ đội Biên phòng tại Quảng Trị sơ tán gia súc giúp người dân miền núi.
Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng tại Quảng Trị giúp người dân đưa tàu thuyền lên bờ.
Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng tại Đà Nẵng giúp người dân đưa tàu thuyền lên bờ.
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra trên sông, tuyên truyền người dân neo đậu, gia cố tàu thuyền.
Bộ đội Biên phòng, nhân dân tại Quảng Trị giúp đưa tàu, thuyền lên bờ.
(CAO) Hồi 04 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.