TPHCM cho phép dịch vụ ăn uống hoạt động lại: Chủ quán còn dè dặt

Thứ Sáu, 10/09/2021 12:54

|

(CAO) UBND TPHCM đã cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống hoạt động trở lại sau ngày 7/9, chỉ bán mang đi, do các shipper giao hàng.

Tuy nhiên, để được chính quyền địa phương chấp thuận cho mở cửa hoạt động trở lại, chủ cơ sở dịch vụ phải đáp ứng được nhiều điều kiện nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh. Từ thực tế này, nhiều trường hợp kinh doanh tỏ ra không mấy “mặn mà” hoạt động trở lại vì không đáp ứng được các tiêu chí đưa ra.

“Chờ 3 tháng rồi chờ thêm đâu có sao…”

Cùng tâm trạng như bao chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khác khi hay tin TPHCM cho “mở cửa” trở lại ngành nghề của mình, chị Nguyễn Thị Liễu (45 tuổi, bán cơm tấm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh) từ 2 hôm nay vui mừng ra mặt. Với chị Liễu, dù biết các quy định, điều kiện để được bán buôn trở lại khá nghiêm ngặt, song đây được xem là tín hiệu mừng cho chủ quán cơm tấm sau hơn 3 tháng đóng cửa… “bất động”.

Nhiều tiểu thương rục rịch chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh ăn uống trở lại

“Hôm qua xem báo thấy có cho mở bán mang về nên tôi cũng có điện thoại cho anh cán bộ ở phường để thăm hỏi xem làm cách nào mới được bán trở lại. Tuy nhiên khi nghe anh cán bộ đó giải thích tôi thấy quy định khá chặt chẽ song vì an toàn của xã hội và bản thân nên dù muốn hay không tôi cũng phải chấp hành” – chị Liễu nói.

Còn tại P.Bình Thọ (TP.Thủ Đức), anh Phúc, chủ của một quán bún bò trên đường Dân Chủ thì có tâm lý e dè trước việc hoạt động, mở bán trở lại.

Anh nói: “Hiện tại muốn bán thì chúng tôi phải đáp ứng được quy định 3 tại chỗ, tổ chức xét nghiệm cách ngày nên thật sự chi phí duy trì hoạt động dự tính khá cao”.

Nhiều cửa hàng kinh doanh ăn,uống gặp khó khăn khi mở cửa trở lại

Bên cạnh các chi phí cứng kể trên, hiện nguồn cung ứng thực phẩm để kinh doanh trở lại chưa được phong phú như trước giãn cách, chưa kể chỉ được bán qua hình thức giao hàng trực tuyến nên rõ ràng bài toán kinh tế, lợi nhuận không có nếu chủ cơ sở kinh doanh trở lại.

Anh Thế Sang (27 tuổi, chủ một quán cà phê trên đường Dân Chủ, P.Bình Thọ) tâm sự, hiện anh đang kinh doanh chủ đạo là cà phê và các món nước giải khát nên nhu cầu của người dân thời điểm này chưa cao.

Cạnh đó, chi phí giao hàng qua các nền tảng hiện nay khá cao so với thời điểm trước dịch, thậm chí có những đơn hàng tiền vận chuyển cao hơn cả tiền mua món hàng nên rất khó cho cả người mua lẫn người bán.

Một quán cà phê trên địa bàn TP.Thủ Đức cân nhắc trước quyết định mở cửa kinh doanh trở lại  

Chưa kể các hình thức kinh doanh hàng ăn uống cần rất nhiều sự ổn định, mỗi khi mở cửa hoạt động trở lại buộc các chủ cơ sở phải đầu tư nhiều khoản phí như tiền vệ sinh, dọn dẹp mặt bằng, thuê nhân viên và tính toán nhập nguyên liệu. “Vậy nên việc quyết định có mở cửa lại hay không vào lúc này cần có sự tính toán kỹ lưỡng” – anh Sang nói.

Bên cạnh những lý do khách quan về các quy tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi mở cửa kinh doanh trở lại, nhiều chủ buôn bán còn có tâm lý lo ngại trước mức độ lây nhiễm, nguy hiểm của dịch bệnh.

Nhiều chủ quán có tâm lý lo ngại trước mức độ lây nhiễm dịch bệnh khi mở cửa hoạt động

Chị Ngọc, chủ một tiệm hủ tiếu trên đường Nguyễn Hồng Đào (P.14, Q.Tân Bình) chia sẻ: “Thật sự là quán mình đã ngưng hoạt động tới nay tròn 3 tháng rồi nên khi hay tin chính quyền cho mở bán trở lại mình cảm giác rất vui.

Nhưng có một thực tế là việc kinh doanh trở lại giữa lúc dịch bệnh vẫn còn đe doạ quả là một sự mạo hiểm với tôi và cả gia đình. Vậy nên cả nhà tôi quyết định sẽ chưa vội đăng ký mở bán trở lại. Chờ 3 tháng rồi chờ thêm đâu có sao…!”

Nhiều thách thức với người kinh doanh trở lại

Trong sáng 9/9, tổ công tác do UBND P.Trường Thọ (TP.Thủ Đức) và đã trực tiếp có mặt tại nhiều cơ sở chuyên kinh doanh ăn uống trên địa bàn phường để trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn người dân.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa đáp ứng được các quy định an toàn như “3 tại chỗ”, liên kết với các ứng dụng giao hàng hay cam kết xét nghiệm đều đặn theo quy định.

Trong vài ngày tới, dự đoán số lượng đăng ký kinh doanh, hoạt động trở lại ở TPHCM sẽ tăng cao

Cũng trong sáng cùng ngày, một quán phở trên đường Phan Văn Trị (P.12, Q.Bình Thạnh) bị lập biên bản, yêu cầu tạm ngừng kinh doanh do không đáp ứng điều kiện bán mang về theo quy định.

Bên cạnh việc bán cho shipper đi giao, thì quán vẫn bán cho nhiều người dân dẫn đến tình trạng tập trung đông người. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, nhắc nhở một số trường hợp hàng quán mở bán không đúng quy định.

Quán phở bị lập biên bản trên đường Phan Văn Trị - Ảnh CAO AN MIÊN

Ghi nhận nhanh tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức trong sáng 10-9, hoạt động đăng ký kinh doanh trở lại của nhiều tiểu thương vẫn chưa cao, có nơi chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào của người dân.

Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chánh văn phòng UBND Q.Tân Phú cho biết, hiện trên địa bàn quận tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, song cơ bản đã được kiểm soát.

Trước tinh thần chỉ đạo của TP, lãnh đạo quận đã khẩn trương yêu cầu các phường theo dõi tình hình, hỗ trợ và hướng dẫn cho người dân đăng ký hoạt động kinh doanh trở lại theo CV số 2994 ngày 7/9 của UBND TPHCM.

Nguồn cung ứng nguyên liệu và chi phí vận chuyển, giao nhận được xem là trở ngại lớn để người dân tái khởi động kinh doanh

“Song có một thực tế là người dân, đặc biệt là các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn dè dặt trước quyết định có mở cửa trở lại hoạt động hay không. Cạnh đó, khi được chính quyền địa phương giải thích cụ thể những yêu cầu để được hoạt động trở lại, có nhiều trường hợp đã chủ động xin rút đơn đăng ký vì tự ý thức mình không đảm bảo được các quy định phòng chống dịch” – bà Cúc nói.

Khu Mả Lạng (P.Nguyễn Cư Trinh, Q1) treo biển không tiếp người lạ, và giao hàng trước lối ra vào

Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch UBND P.12, Q.Bình Thạnh cho biết, hiện chưa có hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nào trên địa bàn phường đăng ký và đủ điều kiện hoạt động trở lại. Bà Thủy dự đoán trong vài ngày tới, các hộ mới bắt đầu chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để có thể bán mang đi.

Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra việc bán mang về của các quán ăn trên địa bàn, đảm bảo việc buôn bán diễn ra theo đúng quy định.

Tại phường Nguyễn Cư Trinh (Q.1), địa bàn có số lượng lớn người dân sống bằng nghề kinh doanh hàng ăn uống, trong 2 ngày qua tiếp nhận số lượng lớn yêu cầu được hoạt động trở lại của người dân.

Song đa phần bà con khi thông báo xin hoạt động trở lại đều không hiểu hết các quy định về công tác phòng chống dịch, có người còn nghĩ là sẽ được bán tại chỗ trở lại trong khu vực nơi mình sống.

Người dân mong muốn tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để hoạt động kinh doanh được trở lại bình thường

“Hiện phường đang tập trung giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu rõ các quy định để được mở cửa hoạt động trở lại cũng như quy định chỉ được bán mang đi thông qua đội ngũ giao hàng của các ứng dụng điện tử” – ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND P.Nguyễn Cư Trinh nói.

Quận 7 triển khai “Hộ kinh doanh xanh”

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Q.7 cho biết, hiện Q.7 đang xin ý kiến lãnh đạo TP nếu trong điều kiện tình hình dịch được kiểm soát ổn, dự kiến từ ngày 20/9 đến ngày 20/10, Q.7 sẽ mở lại một số ngành nghề lương thực thực phẩm thiết yếu, các ngành nghề dịch vụ mua bán ăn uống đường phố với hình thức bán mang đi, không phục vụ tại chỗ. Điều kiện là công dân kinh doanh trong lĩnh vực này phải tiêm vắc-xin 2 mũi, đảm bảo tiêu chí 5K, xem xét phương án 3 tại chỗ, hai điểm đến một cung đường.

Sau khi được thẩm định các điều kiện nêu trên, các hộ kinh doanh sẽ được gắn biển hộ kinh doanh xanh hoặc hộ kinh doanh an toàn và được hoạt động trở lại. Ngoài ra, quận còn có các chính sách hỗ trợ đi kèm như: vận động chủ cho thuê mặt bằng giảm giá, đề xuất thành phố miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh trong năm 2021 và quý 1/2022...

Trong văn bản 2994 do UBND TPHCM ban hành hôm 7/9 có nêu, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper).

Điều kiện kèm theo để các hàng quán mở cửa bán mang về trong thời điểm này là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người. Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21/8 của UBND TP.HCM.

TPHCM: Được mở lại kinh doanh ăn uống, quán sá vẫn đóng cửa
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang