Chiều 10/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.
Quang cảnh buổi họp báo
"Nói thiếu nguyên liệu là không chính xác..."
Trao đổi một số thông tin về việc mở lại các loại hình dịch vụ kinh doanh ăn uống theo văn bản số 2994 của UBND TP, trong đó có thông tin phần lớn các quán ăn đến nay vẫn chưa thể hoạt động lại do thiếu nguồn nguyên liệu, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hơn 7.500 doanh nghiệp và số hộ kinh doanh cá thể do quận, huyện cấp lên hàng chục ngàn hộ.
“Việc tiếp cận thông tin từ 1- 2 doanh nghiệp, một số cửa hàng, đánh giá rằng tình hình chung cho toàn bộ hệ thống này, tôi nghĩ chưa chính xác” - ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Theo ông Phương, đa số thực phẩm nguyên liệu chính chủ yếu là tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả... Còn lại đường, muối, nước mắm, dầu ăn… Tất cả các loại này, qua theo dõi không thiếu.
“Nói thiếu nguyên liệu là không chính xác. Tôi đánh giá, tình hình mở lại quán ăn đúng là có thấp so với thực tế số lượng. Có thể do một số nguyên nhân” – đồng chí Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh và cho rằng cách vận hành theo văn bản 2994 rất rõ ràng, việc mở lại hoạt động phải an toàn và an toàn đến đâu mở đến đó. Có nghĩa các loại hình này trước mắt là hoạt động “3 tại chỗ” và chỉ bán mang về thông qua shipper.
Vì vậy người kinh doanh sẽ phải tính toán. Thứ nhất, hoạt động “3 tại chỗ” có những khó khăn. Thứ 2, cách thức tiếp cận các nguồn nguyên liệu cũng khác, trước đây có các nhà cung cấp thường xuyên, chỉ cần điện thoại là mang hàng hóa tới, còn bây giờ đặt hàng qua một đối tượng khác. Chưa kể, đặt hàng như vậy, người mua hàng có thể nhận sản phẩm không vừa ý, các quán ăn, các đầu bếp đang gặp khó khăn nên rất cân nhắc.
Bên cạnh đó, khách hàng, người dân không được trực tiếp ra đường, việc mua chỉ có thể thông qua shipper. Trong khi shipper chỉ có thể hoạt động trong địa bàn một quận, huyện. Có nghĩa là các quán ăn chỉ phục vụ trong phạm vi quận, huyện. Người kinh doanh cũng tính toán khó có được số lượng khách lớn như trước đây nên cân nhắc có mở lại hay không. Đó là lý do các quán ăn hiện nay chưa mở lại rộng rãi.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM
Sử dụng app VNEID như một thẻ thông hành – thẻ xanh
Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM cùng Sở Y tế, Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM hàng ngày đều cập nhật danh sách F0 về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Dựa trên danh sách cập nhật, Công an TP kiểm tra QR code để xác định F0 có lưu thông trên đường hay không.
Đối với việc các trường hợp từ các địa phương về TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, nhu cầu này là rất lớn. Không chỉ người dân ở các tỉnh, thành quay lại TPHCM để lao động, khám chữa bệnh mà còn những người dân TPHCM mắc kẹt ở các địa phương, muốn trở lại TP. Quan điểm của Công an TPHCM là luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hết mức để người dân quay về TPHCM, tất nhiên là phải đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19. Việc kiểm soát gắn với đảm bảo an toàn về y tế.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, sẽ có những quy định về giãn cách xã hội như thí điểm "thẻ xanh", "thẻ vàng" Covid-19. Công an TPHCM triển khai ứng dụng VNEID - app khai báo y tế do Bộ Công an xây dựng, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu các cá nhân cập nhật đầy đủ về tiêm ngừa vaccine, F0, đầy đủ về giấy đi đường... thì app VNEID sẽ giống như một thẻ thông hành – thẻ xanh. Công an TPHCM đã có báo cáo Bộ Công an liên hệ Bộ Y tế và các cơ quan để cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm ngừa, xét nghiệm, các F0, F0 đã khỏi bệnh... để triển khai ứng dụng này.
Số ca tử vong giảm rất đáng kể
Tại buổi họp báo, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin, tính đến 18 giờ ngày 9/9, TPHCM có 279.223 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong ngày 9/9, có 3.700 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 144.024 người.
Trong ngày, có 195 trường hợp tử vong và tính từ ngày 1/1 đến nay là 11.604 người tử vong. Đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, số người tử vong đã giảm rất đáng kể. Ngày 22/8, trước khi bước vào đợt tăng cường giãn cách xã hội, con số tử vong là 340 người và bây giờ con số tử vong đã giảm còn 195 người.
Đồng chí Phạm Đức Hải thông tin TPHCM đang xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế giai đoạn từ sau ngày 15/9. TPHCM đã thành lập 4 tổ công tác về phòng chống dịch Covid-19, an sinh xã hội, phục hồi kinh tế và thúc đẩy các dự án đầu tư. Hiện nay 4 tổ công tác đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, kịch bản theo 2 giai đoạn. Quá trình xây dựng kế hoạch, tổ công tác lấy ý kiến sở ngành liên quan, cơ quan đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hưu trí… Sau đó sẽ hoàn chỉnh và TPHCM ban hành chính thức.
Về an sinh xã hội, từ ngày 15/8 đến 10/9, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.741.036 túi (tăng 5.000 túi so với ngày 9/9/2021).
Tiếp tục mở các Bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng điều trị cho ca bệnh nặng
Trả lời câu hỏi việc tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19 cho những người nước ngoài sinh sống tại TP, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, quan điểm của TP khi tiêm chủng vaccine không phân biệt người có quốc tịch nước ngoài.
Trong tất cả các kế hoạch TP luôn tiêm tất cả cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tất cả những người hiện diện tại TP và không có sự phân biệt đối với người nước ngoài. Đến nay, ngành y tế TP đã tiêm chủng cho người nước ngoài rất nhiều.
Về số ca Covid-19 nhập viện tại TP, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam thông tin, hàng ngày trung bình có khoảng 3.500 – 4.000 ca. Hiện nay đa số là các ca nhẹ, không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 được phát hiện chăm sóc tại nhà.
Hiện nay, TP và các đơn vị trung ương đang và tiếp tục hỗ trợ mở các Bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng điều trị cho các ca bệnh nặng. Bên cạnh đó, ngành y tế có rất nhiều các giải pháp, trong đó có việc cung cấp gói thuốc A, B, C và một số thuốc được Bộ Y tế cấp, tài trợ để sử dụng cho các bệnh nhân chuyển nặng. Vì vậy năng lực điều trị của chúng ta tương đối đảm bảo. Bên cạnh đó, số ca chuyển nặng cũng giảm đi đáng kể.
Phát biểu tại buổi họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, còn thời gian 6 ngày bước vào thời điểm 15/9. Do vậy Bí thư Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy có chỉ đạo các thành viên Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TP sẽ gắn kết với từng địa bàn quận, huyện để thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình trong từng công việc cụ thể.
Bí thư quận, huyện, phường, xã phải là tư lệnh chỉ huy trong phòng chống dịch. Từng quận, huyện phải kiểm tra, phúc tra, rà soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và TP về các mục tiêu đề ra. Không phải gần đến nơi thì lơ là, buông lỏng, chủ quan, mà cần phải tiếp tục giữ vững các quy tắc, các giải pháp, để việc phòng chống dịch đạt hiệu quả tốt.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cũng lưu ý, thời điểm đó, không phải là TPHCM chấm dứt hoàn toàn dịch Covid-19 trở về con số 0, mà là có sự kiểm soát tốt, ngăn ngừa lây lan, phòng ngừa tốt. Đảng bộ, chính quyền các cấp luôn vẫn lấy dân làm trung tâm, sức khỏe của dân, cuộc sống của dân là trung tâm. Các cấp các ngành từ TP đến phường xã cần thực hiện đúng vấn đề này.
(CAO) Ngày 9/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH, Bộ Công an) tổ chức họp báo thông tin về việc triển khai một số phần mềm hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.