Vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Chế tài xử lý còn nhiều khó khăn

Thứ Hai, 09/10/2023 11:38  | Mai Anh

|

(CAO) Sáng 9/10, Công an TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc CATP chủ trì buổi hội thảo.

Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), từ đầu năm 2020 đến nay, đã xác lập 1 chuyên án mua bán hàng cấm là pháo nổ, thu 5.389 kg pháo do Công an quận Bình Tân khám phá trong năm 2023; trong năm 2022 ghi nhận 1 vụ giết người (con sử dụng súng bắn để sát hại cha), Công an TP Thủ Đức truy xét, khám phá 1 vụ mua bán, tàng trữ vũ khí công cụ hỗ trợ, thu giữ 146 khẩu súng các loại (công cụ hỗ trợ), 260 viên đạn, 36,2kg thun đạn bi, 250 bình ga bắn súng bi, hàng nghìn các loại dao, kiếm roi điện, cây ba khúc, bình xịt hơi cay...

Đại diện lãnh đạo Phòng PC06 báo cáo tại hội thảo

Một số đối tượng mua các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) để sử dụng kết hợp bán hưởng lợi. Những đối tượng hoạt động chuyên nghiệp thường cấu kết chặt chẽ hình thành đường dây, nhóm kín trên Zalo, Facebook, Telegram (điển hình như: Hội, nhóm Facebook “Pháo Tết 2021”, “Pháo hoa 2022 không cọc", "Pháo hoa 2022”; Facebook “Trần Chí Cường”)... nhằm đăng tải các bài viết quảng cáo thông tin cung cấp các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ (súng, dao, kiếm, mã tấu...), các loại CCHT khác (gậy, súng điện, còng tay...); sau khi thỏa thuận, các đối tượng sử dụng dịch vụ COD từ các đơn vị giao hàng trung gian để vận chuyển đến khách hàng.

Các đối tượng gây lầm tưởng sản phẩm được cung cấp hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật cho phép sử dụng để khuyến khích hoạt động mua bán, nhất là những sản phẩm liên quan pháo nổ. Xâm nhập trái phép vào một số trang thông tin điện tử để đăng tải thông tin mua bán, trao đổi CCHT trên không gian mạng, đăng nội dung quảng cáo gây phản cảm, hiểu nhầm trong quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước; nhiều khả năng tình trạng trên do lỗi kỹ thuật của đơn vị quản lý website hoặc bị tấn công mạng chèn quảng cáo...

Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc CATP phát biểu tại hội thảo

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT, CATP đã ban hành các kế hoạch, quyết định về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT.

Sơ kết giai đoạn 1, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức 32.293 lượt tuyên truyền với 296.269 người tham gia, phát 323.945 tin, bài phóng sự, tổ chức tuyên truyền tại 624 cơ quan, doanh nghiệp, trường học và phát 23.895 tài liệu tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên...

Qua đó, thu gom được 9 vũ khí quân dụng, 90 súng tự chế, 3 súng hơi, 541 viên đạn, 93 vũ khí thô sơ, 13 CCHT... Phát hiện, bắt giữ 291 vụ, 647 đối tượng vi phạm về VK, VLN, CCHT, trong đó, khởi tố 42 vụ, 163 đối tượng, truy tố 2 vụ, 2 đối tượng, xử phạt hành chính 170 vụ, 275 đối tượng với số tiền 1.517.400.000 đồng, thu giữ 53 khẩu súng, 2.078 đạn các loại, 773 CCHT, 636 vũ thí thô sơ...

Phòng PC06 đã tổng hợp được 495 đối tượng nghi vấn về VK, VLN, CCHT (nhóm đối tượng ngoài xã hội) do Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, CATP tiếp tục ban hành Kế hoạch về tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN, CCHT trên địa bàn Thành phố.

Đã xác minh, truy xét, kiểm tra và lập hồ sơ 705 vụ/1.535 đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN, CCHT (có cả các vụ việc do lực lượng 363 bàn giao); triệt phá 129 nhóm, 648 tên; thu giữ hàng trăm vũ khí; hàng nghìn vật liệu nổ (3.308 đạn các loại); gần 1.000 CCHT các loại. Kết quả xử lý, đã khởi tố 196 vụ/421 tên; xử lý hành chính: 233 vụ/338 đối tượng…

Lực lượng CATP thường xuyên tổ chức vận động, tuyên truyền người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, có thể thấy tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, sử dụng các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao gây án... có xu hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Các đối tượng thường có tâm lý thủ sẵn, cất giấu vũ khí trong người để thực hiện hành vi phạm tội. Đa số các băng ổ nhóm tội phạm đều sử dụng các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao... để thanh toán lẫn nhau, phô trương thanh thế và thực hiện các hoạt động phạm tội.

Việc tội phạm sử dụng các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao gây án... gây khó khăn trong công tác quản lý việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại vũ khí trên, gây vướng mắc trong việc xử lý do vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể.

Quang cảnh hội thảo

Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến VK, VLN, CCHT cho thấy, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, luôn có sự đề phòng, cảnh giác; lợi nhuận thu được từ việc mua bán, gia công, chế tạo các loại VK, VLN, CCHT có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng khi giao dịch thành công một đơn hàng.

Đồng thời, lợi dụng sự khan hiếm không có yếu tố cạnh tranh, độ ẩn cao nên đã kích thích mục đích phạm tội của các đối tượng. Một số đối tượng có thể tự học, nghiên cứu theo các hướng dẫn trên mạng xã hội để mua các linh kiện về chế tạo, sản xuất, bán kiếm lời dễ dàng.

Việc xử lý hành vi phạm tội còn gặp một số khó khăn. Mặt khác, để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng chia nhỏ các bộ phận, linh kiện rồi gửi nhiều lần nên khó xử lý. Có thể nói, chế tài xử lý còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với hành vi của đối tượng..., chủ yếu là xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang