Đà Nẵng: Địa phương đầu tiên của ASEAN số hóa truyền hình

Thứ Năm, 29/10/2015 11:04  | Xuân Hoài

|

(CAO) Sáng 29-10, Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam chính thức công bố ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại TP Đà Nẵng (từ ngày 1-11-2015) để chuyển qua số hóa truyền hình.

Đây là địa phương đầu tiên của các nước ASEAN thực hiện số hóa truyền hình.

Trước đó, ngày 27-12-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Mục tiêu của Đề án nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Họp báo công bố

Đồng thời, mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (HDTV, 3DTV). Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho việc phát triển truyền hình quảng bá; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ- Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam thì Đề án số hóa được thực hiện theo lộ trình gồm 4 giai đoạn, triển khai ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 1 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31-12-2015 (nay lùi lại thời gian sau 3 tháng, tức ngày 1-4-2015); giai đoạn 2 tại 26 tỉnh lân cận 4 thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 31-12-2016; giai đoạn 3 tại 18 tỉnh đồng bằng và trung du trước ngày 31-12-2018; giai đoạn 4 tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn lại trước ngày 31-12-2020.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ- Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương trên địa bàn Đà Nẵng và 4 huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam do ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng (gồm: TP Hội An, huyện Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, huyện Đại Lộc).

Theo đó, tổng số hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất tại Đà Nẵng là 5.644 hộ gia đình; tại Bắc Quảng Nam là 11.408 hộ.

“Hiện việc số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện để ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng”, ông Hoan nói.

“Khi chuyển qua số hóa truyền hình rất thuận lợi vì trước đây 1 kênh sóng truyền hình tương tự mặt đất chỉ phát một kênh, nay 1 kênh số hóa truyền hình có thể phát được hàng chục kênh và người dân được hưởng lợi rất lớn. Với số hóa truyền hình, người dân được xem được hàng chục kênh miễn phí và kênh quảng bá mà không mất tiền, chất lượng hình ảnh rất tốt”, ông Hoan nhấn mạnh.

Số hóa truyền hình rất thuận lợi cho người dân

Theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó giám đốc sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng rất vinh dự là thành phố đầu tiên thực hiện đề án này. Sở dĩ Đà Nẵng đi đầu, theo ông Cẩm là do địa bàn thuận lợi, dân cư tập trung và đặc biệt là việc huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân vào cuộc.

Được biết, hiện chỉ còn 76 hộ tại vùng lõm của xã Hòa Bắc còn chưa sử dụng số hóa truyền hình, sẽ được xem xét bằng hình thức vệ tinh trong thời gian tới.

“Mọi thắc thắc mắc của người dân về số hóa truyền hình liên hệ tới số điện thoại 0511.1022 để được giải đáp. Đây là số điện thoại của Trung tâm dịch vụ công của UBND TP. Đà Nẵng nên không mất phí”, ông Nguyễn Hoàng Cẩm nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang