Thuyền trưởng tàu cứu hộ Việt Nam kể về thời khắc đối mặt tàu Trung Quốc

Thứ Hai, 26/10/2015 09:43  | Xuân Hoài

|

(CAO) Vụ tàu cứu hộ SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (MRCC2) bị tàu Trung Quốc ngang ngược cản trở khi đang tìm cách tiếp cận để cứu nạn ngư dân trên biển đang gây bức xúc trong dư luận.

Hôm nay 26-10, thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn đã kể lại với báo Công an TP.HCM thời khắc đối mặt căng thẳng với tàu Trung Quốc và thái độ hung hăng của đội tàu “hải giám” này với ngư dân và tàu cứu hộ Việt Nam.

Theo thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, hôm 20-10, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II nhận được thông tin từ thuyền trưởng Phan Thành Kim (SN 1977) báo rằng tàu cá KH- 96977 (tỉnh Khánh Hòa) đang đánh bắt tại tọa độ 16,19 độ vĩ bắc-112,24 độ kinh đông (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) thì bị hỏng lái không thể khắc phục được, trôi tự do trên biển.

Lúc này trên tàu đang có 11 ngư dân với lương thực gần cạn kiệt.

Trước tình trạng nguy cấp của thuyền viên tàu KH 96977 TS, SAR 412 nhận được lệnh điều động khẩn cấp của Trung tâm II lên đường ra vùng biển Hoàng Sa để triển khai cứu nạn và đảm bảo an toàn tính mạng cho thuyền viên.

Tàu rời bến 20 giờ 5 phút ngày 21-10, đến 11 giờ ngày 22-10, khi còn cách tàu bị nạn khoảng 0,5 hải lý, tàu cứu hộ SAR 412 đã bị 2 tàu Coast Guard (tuần tra bờ biển) Trung Quốc mang số hiệu 33102 và 35153 ngăn cản không cho tàu tiếp cận tàu KH 96977 TS.

Mặc dù vậy, SAR 412 vẫn quyết định tăng tốc, tiếp cận tàu cá.

Các thuyền viên trên tàu SAR 412 làm công tác cứu hộ - Ảnh:

Bấy giờ, tàu Trung Quốc mang số hiệu 35153 từ phía xa, tăng tốc, chạy vòng rồi lao từ phía sau tới, cắt ngang hướng di chuyển của SAR 412 không cho tàu SAR 412 tiếp cận cứu tàu cá.

Nguy hiểm hơn, khi cắt ngang hướng di chuyển của tàu SAR 412, tàu Trung Quốc bất ngờ giảm tốc độ, cố tình tạo tình huống nguy hiểm buộc SAR 412 phải né tránh.

Không dừng lại ở đó, qua điện đàm, chúng tôi yêu cầu tàu Trung Quốc không được truy cản, vì chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, nhưng họ vẫn không từ bỏ.

“Để kịp thời cứu nạn cho ngư dân trong tình huống nguy cấp, SAR 412 đã phải thả xuồng cao tốc, kéo dây lai dắt tàu cá bị nạn nhưng suốt hành trình lai dắt gần 80 hải lý từ đảo Boom Bay về đến Tri Tôn, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc này vẫn cố tình áp sát, theo tàu và liên tục cản trở.

Đến 14 giờ ngày 22-10, SAR 412 mới có thể tiếp cận được tàu KH 96977 TS tại vị trí 15,46 N-112,29 E, tiến hành chuyển thuyền viên tàu bị nạn sang tàu SAR 412 để chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn đồng thời đưa tàu bị nạn cùng toàn bộ thuyền viên về Đà Nẵng”, thuyền trưởng Sơn nói.

Tàu Trung Quốc nhiều lần cản trở tàu Việt Nam cứu nạn - Ảnh:

Ngư dân Phan Thành Kim cho rằng, không chỉ riêng các thuyền viên trên tàu KH 96977 TS mà ngư dân miền Trung ngoài nghề mưu sinh, thì “bám biển” cũng còn là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiên liêng của Tổ quốc.

Thời gian gần đây ngư dân gặp không ít khó khăn, hiểm nguy về cả tính mạng và tài sản khi đánh bắt trên biển do sự ngăn cản của tàu Trung Quốc. Nếu như không có tàu SAR 412 đã không ngại hiểm nguy, bất chấp sự ngăn cản của tàu Trung Quốc để kịp thời cứu nạn, cứu hộ thì ngư dân không biết số phận của các thuyền viên tàu cá KH 96977 TS sẽ như thế nào.

“Chính Phủ đã lập đội tàu cứu hộ trên biển, chúng tôi cảm ơn sự kiên quyết, dũng cảm như đội cứu hộ SAR đã đem lại niềm tin, chỗ dựa cho ngư dân chúng tôi tiếp tục yên tâm vươn khơi bám biển”, ông Kim chia sẻ.

Theo thuyền trưởng Sơn, trước đó vào khoảng 0 giờ 30 ngày 1-6, khi tàu SAR 412 làm nhiệm vụ cứu nạn đối với ngư dân bị nguy kịch trên tàu cá QNa 90927 khi tàu này đang hành nghề câu mực tại tọa độ 15,05 vĩ bắc, 115,12 kinh đông phía đông nam quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) thì xuất hiện tàu quân sự của Trung Quốc mang số hiệu 841 có trang bị pháo quân sự truy đuổi.

Thái độ của tàu này rất hung hăng bởi ban đầu họ chỉ di chuyển với tốc độ 4-5 hải lý, tuy nhiên khi phát hiện tàu mình, họ đã đột ngột tăng tốc độ lên đến 19-20 hải lý/h và lao thẳng vào mạn phải tàu SAR 412.

Khi cách tàu SAR 412 chừng 100 m thì tàu 841 của Trung Quốc chuyển hướng đi kèm song song, vừa đi vừa loa báo yêu cầu tàu SAR 412 chuyển hướng sang hướng khác.

Trước đó, vào tháng 2-2015, tàu SAR 412 cũng bị hai tàu quân sự, hải cảnh và máy bay quân sự của Trung Quốc uy hiếp, đe dọa khi cứu 6 ngư dân Bình Định đắm tàu tại khu vực bãi đá ngầm Chim Én, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lúc bấy giờ, tàu quân sự của Trung Quốc từ các đảo lao ra, cách tàu SAR 412 chỉ chừng 10-15m, lực lượng của họ đã vào các ụ pháo uy hiếp tàu SAR 412. Trên biển thì 2 tàu uy hiếp, trên không thì máy bay săn ngầm của họ quần đảo. Nhưng anh em tàu SAR 412 vẫn quyết tâm, bám trụ cứu ngư dân rồi mới quay về.

“Thời gian qua, nhiều ngư dân phản ánh lo liên tiếp bị tàu Trung Quốc uy hiếp nhưng chúng ta hoạt động trên vùng biển của mình, hợp với luật pháp quốc tế thì ta chẳng sợ ai. Đó là tâm thế của anh em SAR 412 cũng như ngư dân và lực lượng chấp pháp của ta”, thuyền trưởng Sơn nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang