Những chàng trai thành phố trên biển
Đến Trạm HĐ Sơn Ca, chúng tôi bất ngờ gặp Lê Anh Hiền, 35 tuổi, nhà ở quận 5, TPHCM, vừa chuyển từ trạm khác qua đây được hai tháng. Hiền cho biết, cứ mỗi đợt công tác từ sáu đến chín tháng, anh được về phép một lần. Nắng, gió, hơi nước biển mặn chát hiện rõ trên màu da của Hiền. Chàng trai thành phố sạm đen, rắn chắc, cứng cỏi hơn cái tuổi mình nhiều.
Hải đăng trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: Trung Sơn
Gia đình, vợ con ở thành phố, học nghề hàng hải xong, khi được phân công ra công tác ở đây, Hiền cũng không ít băn khoăn. Nhưng rồi tình yêu biển đảo của Tổ quốc đã “giữ chân” chàng trai thành phố nơi đây. “Coi trạm HĐ như là nhà rồi anh ạ. Ở đây đến khi về hưu luôn” - Hiền bộc bạch.
Hiền có vợ, một con ba tuổi đang ở nhà. Lương tháng 11 - 12 triệu. Ăn uống tự túc, gửi tàu mua thực phẩm rồi mang ra cho anh em. Đa số là ăn đồ đông lạnh. Rau nhiều khi đem ra đến nơi thì hỏng hết nếu như gặp biển động.
Đứng trên ngọn HĐ cao vời vợi giữa đảo Sơn Ca, Hoàng Đăng Tuyến, 30 tuổi, quê Hải Phòng, khoe với chúng tôi “em chuẩn bị lấy vợ”. Chàng trai vui tính quê đất cảng này tâm sự: “Xa xôi, khắc nghiệt và cũng buồn lắm chứ anh. Thậm chí em đã từng bị bạn gái nói lời chia tay sau thời gian hẹn thề, vì đi lâu ngày quá không về. Nhưng mà em vẫn ở đây, mấy năm rồi, từ khi vào nghề đến nay”. Nghe chúng tôi thắc mắc sao ở biển, ở đảo mà trông vẫn trắng trẻo, thư sinh, Tuyến lém lỉnh: “Chắc em hợp với nơi này!”.
Một trong số các nhân viên “nhà đèn” trẻ tuổi nhất của trạm và cả tám trạm khác trên quần Đảo Trường Sa là Lê Anh Tuấn, SN 1989. Tuấn nửa đùa nửa thật: “Tình hình là rất tình hình”, khi nghe chúng tôi hỏi có người yêu chưa. Rời quê hương Thái Bình, xách túi ra đảo sau khi được đào tạo nghiệp vụ về hàng hải, Tuấn chưa biết yêu là gì. Khi ở đất liền, chàng trai có màu da bánh mật vốn nhút nhát, không quen biết nhiều những cô gái cùng trang lứa. Đến ngày nhận nhiệm vụ ra đảo, Tuấn mới nghĩ đến “nhiệm vụ chính trị” mà bố mẹ giao cho là lấy vợ, có cháu cho bố mẹ vui.
Hoàng Đăng Tuyến làm công việc hàng ngày trên hải đăng Sơn Ca - Ảnh: Trung Sơn
“Cả năm nay bố mẹ hối lắm anh ạ. Rồi bố mẹ đi quanh làng nhòm mặt, gợi ý cho em cô này, cô kia. Rồi xin số điện thọai, địa chỉ facebook, zalo, kêu em liên lạc làm quen, sau khi bố mẹ đã “duyệt sơ bộ”. Em cũng đang cố gắng. Nhưng mà tình hình chắc là... khó khăn” - Tuấn cười khì khì. Khi chia tay, Tuấn nhét vào tay tôi tờ giấy đã chuẩn bị sẵn: “Đây là điện thoại, địa chỉ facebook của em. Nhờ anh lên trên tàu xem có cô gái nào đi trong đoàn chưa có người yêu thì làm mai cho em với. Người Thái Bình càng tốt!”.
Hiến tuổi xuân cho đảo
Trạm HĐ Nam Yết được xem một trong những ngọn HĐ đẹp nhất trên biển Đông hiện nay. Năm anh em trên ngọn HĐ đều đã có gia đình. Người ít nhất, ra đảo “giữ đèn” được ba năm như Ngô Mạnh Tấn (quê Hải Phòng), nhưng cũng có người chinh chiến 19, 20 năm ròng rã.
Những ngày đầu hè có mặt trên đảo, đi loanh quanh dưới tán cây, ngồi trong nhà, trong HĐ lúc lộng gió vài tiếng đồng hồ, người chúng tôi sền sệt một lớp mồ hôi đầy muối, mặn chát, khó chịu vô cùng. Nghe kể mùa biển động, mùa đông thì sóng gió đập ầm ầm, lạnh buốt xương. Vậy nên, khi nghe có những người đã phục vụ ở đây đến 20 năm, tôi thật sự thấy choáng.
Vậy mà cũng như mọi người ở đây, anh Bùi Văn Sơn (SN 1972, 19 năm công tác) khi nói chuyện với tôi chỉ đùa: “Đi Trường Sa thì nên lấy vợ đi đã, ván phải đóng thuyền rồi hãy đi”. Trung bình, một chuyến đi của các nhân viên HĐ trên đảo 9 tháng mới được về phép một lần. Suốt 19, 20 năm và cho đến ngày các anh được nghỉ hưu, thời gian thật bền bỉ.
Anh Bùi Văn Sơn - Trạm hải đăng Nam Yết - Ảnh: Trung Sơn
“Bọn tôi đàn ông thì không sao. Chỉ thương vợ con ở nhà, nỗi nhớ thương thăm thẳm. Sóng gió, nắng mưa, biển mặn, kẻ thù xung quanh, chúng tôi có “ngán” gì đâu. “Sợ” nhất lúc gọi điện về, vợ nói: Anh mà không về đúng phép thì tui đưa con về nhà ngoại ở hết. Nhưng may mà chỉ dỗi hờn nói thế thôi” - anh Sơn bộc bạch. Khi bắt tay ra về, anh bảo: “Nếu được thì nhờ chú mày viết cho anh một câu trong bài báo: thay mặt cho toàn thể anh em ở ngoài các trạm, xin gửi lời cảm ơn đến vợ anh và các chị em khác đã luôn ở bên chúng tôi, dù luôn cách trở, xa xôi”.
Những “chiến binh” giữ cho các ngọn HĐ sáng mãi trong đêm như anh Sơn còn có Trại trưởng Trần Văn Ca (45 tuổi, 20 năm công tác), anh Đặng Văn Thanh (45 tuổi, Trạm HĐ Trường Sa), Bùi Đức Vệ (SN 1958), Vũ Công Thập (SN 1962) ở HĐ đảo Sinh Tồn. Hơn 20 năm, tuổi thanh xuân của họ đều in dấu trên từng ngọn HĐ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cứ hai năm lại chuyển qua trạm khác, họ đều như cha chú của tất cả nhân viên trẻ tuổi trên đảo. Với mỗi trạm HĐ, họ đều thuộc hết từng ngóc ngách, từng bậc cầu thang lên tháp đèn, từng “căn bệnh” của mỗi ngọn đèn lúc trục trặc, chớp tắt.
Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, quê Thái Bình, cùng trạm Sơn Ca) bảo: “Bọn em xa nhà, xa tiếng gọi bố, mẹ mỗi ngày, nên xem các bác như trụ cột trong gia đình nhỏ này. Gọi nhau là bố, con trong công việc, từng bữa ăn, giấc ngủ, học các bác trong công việc, cách sống. Là thầy của bọn em đó”.