Gian truân nghề đòi nợ thuê

Thứ Năm, 22/10/2015 15:00  | Kim Đồng

|

(CAO) Trước đây, nghề đòi nợ được nhắc đến như một nghề nhạy cảm và mang nhiều tai tiếng với hình ảnh những tay giang hồ táo tợn lăm lăm vũ khí.

Giờ đây, những nhân viên đòi nợ xách cặp táp, tay cầm hồ sơ. Mặc dù vẫn còn chịu nhiều tai tiếng nhưng nghề đòi nợ đã được pháp luật công nhận và bảo hộ. Nghề đòi nợ trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ cho không ít cá nhân, doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp.

Thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều nhóm đòi nợ thuê tự phát hành nghề phi pháp, phần lớn là do các thành phần “xã hội đen” tự thành lập băng nhóm và làm việc theo kiểu giang hồ . Những hình ảnh quan tài, vòng hoa tang, hay cảnh các nhóm côn đồ vác mã tấu xông thẳng vào nhà con nợ... đã không còn xa lạ.

Tất cả đã vô hình chung đã tạo nên một cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội về nghề đòi nợ thuê, kéo theo đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các công ty đòi nợ đúng pháp luật.

Để hiểu rõ công việc “nhạy cảm” này chúng tôi đã trực tiếp theo chân cựu quân nhân Mai Đăng Hưng – Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh (người đã có hơn chục năm kinh nghiệm trong nghề). Đây là một trong những công ty đòi nợ thuê hợp pháp đang hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Phòng PC64 thuộc Công an TP. HCM.

Gian nan đi đòi nợ

Trong chuyến đi đòi nợ tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nhắc đến con nợ lần này ông Mai Đăng Hưng cho biết: “Gia đình con nợ trước đây nuôi bò sữa, họ đang sở hữu một lô đất lớn tại Vũng Sình, có vườn cà phê và nuôi gà công nghiệp…Mặc dù điều kiện khá giả, có thừa khả năng chi trả nhưng trong suốt 5 năm qua, con nợ đã ung dung ôm số tiền 485 triệu của chủ nợ mặc cho chủ nợ khốn khổ đủ đường vẫn không lấy lại được”.

Biết con nợ “không phải dạng vừa đâu”, ông Hưng đã tìm hiểu và điều tra kỹ càng về nhân thân, gia đình, các mối quan hệ làm ăn, đối tác kinh doanh và khả năng tài chính của con nợ để gây áp lực, dễ buộc họ trả nợ.

Hồ sơ đã đầy đủ, vướng mắc lớn nhất của vụ này là bà Thành (con nợ) lại đưa ra lý lẽ rằng mình đã dùng miếng đất gần 500m2 do cha chuyển nhượng để gán nợ, tuy nhiên các giấy tờ liên quan lại chứng minh rằng bà chỉ viết giấy “cho” ông Quyết em trai bà – chồng cũ của bà Vân (chủ nợ) mảnh đất đó chứ không hề có ký nhận của bà Vân.

Sau một hồi đôi co lớn tiếng, thấy mình ngày càng yếu thế bà Thành liền nhỏ giọng và hứa khi nào có tiền sẽ trả. Biết trước bà Thành sẽ dùng chiêu trò này để kéo dài thời giờ chứ không chịu trả nợ, ông Mai Đăng Hưng cắt lời: “Giấy tờ ghi nợ, bản thống kê tổng số nợ và lãi có chữ ký của chị chúng tôi đều nắm hết ở đây, tài sản hiện tại của gia đình chị chúng tôi cũng đã điều tra kỹ, nếu đưa vụ án này ra tòa chị nghĩ rằng phần bất lợi sẽ thuộc về ai?

Chưa kể, mảnh đất hơn 500m2 chị để lại cho anh Quyết chưa được nhà nước cấp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, lại đang trong thời gian tranh chấp tại cơ quan chức năng. Thân chủ của chúng tôi chỉ cần trả tiền, còn miếng đất đợi tranh chấp xong gia đình có thể tự giải quyết với nhau, chị kéo dài không chỉ làm mất thời gian hai bên mà lại còn khiến mình thêm mệt mỏi, nợ cuối cùng cũng phải trả”.

Với những lời lẽ hợp tình hợp lý ông Hưng đã nhanh chóng khiến con nợ bị thuyết phục và hứa sẽ trả trước số tiền lãi 85 triệu đồng trong vòng 3 ngày tới, số nợ gốc sẽ thanh toán ngay sau vụ cà phê này.

Được trực tiếp chứng kiến ông Hưng làm việc với con nợ chúng tôi mới biết để làm được nghề này đòi hỏi phải có nghiệp vụ cao. Đối với ông Hưng, chuyện đòi nợ ở Di Linh là rất bình thường.

Khi được chúng tôi hỏi về những khó khăn trong công việc đòi nợ, ông Hưng thở dài cho biết: “Tôi làm nghề đòi nợ đã hơn chục năm, nghề này vừa phải chịu nhiều tai tiếng vừa phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Có lần anh em chúng tôi đi đòi nợ một công ty, ban giám đốc công ty niềm nở ra đón nhưng khi cả đội vừa bước vào xưởng thì ngay lập tức bị bảo vệ cùng nhân viên công ty dồn lại, đóng kín các cửa sau đó vác mã tấu ra dọa, có tên còn tự đập chai vào đầu đến chảy máu rồi thách thức chúng tôi.

Cũng có lần đi đòi nợ đại gia, để vào được biệt thự của họ anh em phải dùng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ mới làm cho chủ nhà chịu mở cửa. Sau một hồi dọa dẫm, chủ nhà gọi điện báo công an 113 tới. Tuy nhiên trước khi đến đó chúng tôi cũng đã gửi giấy thông báo làm việc đến cho các cơ quan chức năng sở tại. Biết được điều này, chủ nhà ngớ ra không còn cách để trốn tránh...”.

Cũng theo ông Hưng đó chỉ là hai trong số những vụ mà nhóm đòi nợ phải đối mặt với gian nan, nguy hiểm.

Chịu nhiều tai tiếng

Mặc dù Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/6/2007 đã tạo ra khung pháp lý cho ngành đòi nợ thuê, được Nhà nước tạo điều kiện, pháp luật bảo trợ, tương lai của ngành đòi nợ thuê ngày càng rộng mở.

Tuy nhiên, khi nhắc đến cái nghề mà mình hiện đang làm, ông Hưng chia sẻ: “Hiện nay việc rất nhiều nhóm đòi nợ thuê tự phát hành nghề phi pháp do các thành phần “xã hội đen” tự thành lập băng nhóm và làm việc theo kiểu giang hồ như đưa cho con nợ vòng hoa tang, quan tài chất thải công nghiệp, chất hóa học tấp thẳng vào nhà. Hay nhóm côn đồ vác mã tấu xông thẳng vào nhà con nợ....đã tạo nên một cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội về nghề đòi nợ thuê, kéo theo đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các công ty đòi nợ đúng pháp luật.

Đây là nguyên nhân khiến cho nghề đòi nợ mang nhiều "tai tiếng”.

Thiết nghĩ, cần có một hệ thống pháp lý chi tiết và chặt chẽ hơn nữa sẽ là điều kiện tốt nhất để ngành đòi nợ thuê phát huy hết tiềm năng của mình, khai tác tối đa nguồn nhân lực có trình độ nghiệp vụ cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang