Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 19 nội dung. Cụ thể, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua có hai dự án luật quan trọng Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị nhằm đảm bảo chất lượng, là Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Ngoài ra, quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như một số nội dung về tài chính, ngân sách còn tồn đọng thuộc quyền hạn của Quốc hội. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội nói, phải tính đến khả năng có 1 kỳ họp chuyên đề (bất thường) để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách trước mắt.
“Rất có thể sẽ có thêm một vài dự án quan trọng quốc gia Chính phủ đã chuẩn bị nhưng chưa kịp trình ở Kỳ họp thứ sáu” - Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Do thời gian từ nay đến Tết không còn nhiều, nên nếu có kỳ họp bất thường thì theo Chủ tịch Quốc hội, có thể vào trung tuần tháng 1/2024. Vì thế, để đẩy nhanh công tác chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể họp thêm những phiên không thường kỳ.
Cũng tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Lưu ý công tác lập pháp phải kỹ lưỡng ngay từ vòng đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung nào đủ điều kiện thì trình, chưa đủ điều kiện thì dứt khoát chưa đưa vào chương trình mà cần chuẩn bị chất lượng hơn.
Bên cạnh việc dự kiến thông qua dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét nhiều nội dung quan trọng về tài chính, ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự.
Trong buổi sáng cùng ngày, cơ quan thường trực của Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, thị xã Việt Yên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 171,01 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 229.162 người của huyện Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang.
Toàn cảnh phiên họp
9 phường thuộc thị xã Việt Yên được thành lập, gồm: Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn.
Như vậy, thị xã Việt Yên có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường nêu trên và 8 xã: Hương Mai, Nghĩa Trung, Minh Đức, Thượng Lan, Tiên Sơn, Trung Sơn, Vân Hà, Việt Tiến.
Nghị quyết cũng nêu rõ thành lập Tòa án nhân dân thị xã Việt Yên trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Việt Yên trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2024. Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố; 209 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 175 xã, 19 phường và 15 thị trấn.
Về điều chỉnh địa giới hành chính ở Thanh Hoá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa.
Sau khi nhập, thị trấn Thiệu Hóa có 17,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 28.352 người.
Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở toàn bộ 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.061 người của xã Minh Tâm.
Sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thì huyện Thiệu Hóa có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 02 thị trấn và 22 xã.
Như thế, tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 23 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 558 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 467 xã, 60 phường và 31 thị trấn.
Nghị quyết này cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2024.