Đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA

Thứ Tư, 20/05/2020 13:27

|

(CAO) Cùng với CPTPP, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

Tại phiên họp của Quốc hội sáng 20-5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc tờ trình

Theo đó, về EVFTA, Phó Chủ tịch nước cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực.

Các Bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi.

Theo thủ tục nội bộ của EU, bà Thịnh cho biết, EVFTA cần được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng Châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Hiện nay, Hiệp định đã được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và Hội đồng Châu Âu phê duyệt.

Tuy nhiên, Hiệp định có một số nội dung trái với luật của Quốc hội, căn cứ khoản 14, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và điểm d, khoản 1, Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn EVFTA. Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Ông Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra 

Trên cơ sở phê chuẩn của hai bên, Việt Nam và EU sẽ thống nhất về thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực với cả hai bên. Do đó, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa EVFTA vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như quy định pháp luật của mỗi bên.

Đối với Anh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định này với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho đến hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31 tháng 12 năm 2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).

Là Hiệp định quy định về bảo hộ đầu tư (bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) và giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư, EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

Hiệp định EVIPA thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước Thành viên. Hiện nay, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định.

Phân tích toàn diện cơ sở pháp lý, cũng như quan hệ chính trị, đối ngoại, Chính phủ đề xuất Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA tại Kỳ họp thứ 9 mà không nhất thiết phải chờ toàn bộ các thành viên EU hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo thuyết minh về các hiệp định này.

Việc thực thi 2 Hiệp định này, theo đánh giá, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. So với trường hợp không tham gia các Hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm lần lượt trong ngắn hạn, trung hạn (giai đoạn 2022-2024) và dài hạn (giai đoạn 2025-2030) từ 0,28% đến 0,63%/năm; 1,24% đến 2,02%/năm và từ 3,53% đến 4,37%/năm.

Về việc làm, mức tăng tương ứng lần lượt là 26.000 đến 66.000; 56.000 đến 81.000 và từ 34.000 đến 43.000.

Những đánh giá định lượng nêu trên tuy được thực hiện trong tháng 12-2019 nên chưa tính đến tác động của Đại dịch Covid – 19, song về mặt định tính, trong khi Đại dịch Covid-19 đang có tác động làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu thì Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA càng có tác động tích cực, bởi đây là thời điểm quan trọng để chúng ta thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, bù đắp những thiệt hại do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khác.

Đặc biệt, EVIPA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, các đại biểu đề xuất Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận và biểu dương Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế trong quá trình đàm phán đi đến ký kết hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, đồng thời bày tỏ tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định.

Cùng với CPTPP, ông Giàu nhìn nhận, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.

Tương tự, việc tham gia EVIPA cũng được đánh giá là phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Giàu nhấn mạnh: “Việc Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA đồng thời với Hiệp định EVFTA tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ làm tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để các nước thành viên EU sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định EVIPA có hiệu lực”.

Cho rằng EVIPA cũng có một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài, về yêu cầu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật…, có ý kiến cho yêu cầu Quốc hội phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại Quốc hội trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang