Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 45 (đợt 2).
Theo đó, tại phiên họp này, khi xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, UBTVQH nhận định, báo cáo đã phản ánh sát và đúng với tình hình thực tế.
UBTVQH yêu cầu xây dựng thêm kịch bản kinh tế - xã hội với khả năng dịch bệnh quay trở lại
Bên cạnh phân tích những điểm sáng của năm 2019 với kết quả tích cực, toàn diện nhất trong 10 năm trở lại đây, báo cáo cũng đã chỉ ra đầy đủ, rõ ràng những tồn tại, yếu kém trong năm nay.
UBTVQH đánh giá cao sự tích cực, kịp thời, chủ động của Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi sản xuất và đời sống.
Cơ bản thống nhất với những đánh giá, giải pháp và đề xuất của Chính phủ, UBTVQH yêu cầu tiếp tục rà soát, đánh giá và dự báo tình hình năm 2020 bám sát thực tế.
Bên cạnh 2 kịch bản mà Chính phủ đã dự kiến, UBTVQH lưu ý cần xây dựng kịch bản thứ ba với khả năng dịch bệnh trên thế giới bùng phát trở lại vào mùa thu, mùa đông và còn kéo dài, chưa thể dập tắt trong năm 2020, chưa có vắc xin phòng bệnh; tăng trưởng ở mức thấp khoảng 3%. Như thế, theo UBTVQH, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là khả năng hụt thu ngân sách, bội chi ngân sách, nợ công sẽ ở mức cao hơn.
UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ, nổi bật các giải pháp về kinh tế, tài chính, ngân sách, tín dụng để “kích thích” sản xuất và khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19 (nếu có) trên nguyên tắc phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tránh “kích thích” sai, đầu tư sai dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Yêu cầu nữa, theo UBTVQH, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế trong tình hình mới; tập trung giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém trước khi đề xuất, triển khai các nhiệm vụ mới.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội, nhất là đầu tư công, bảo đảm giải ngân đúng tiến độ, kế hoạch, trọng tâm là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông; kinh phí 7.000 tỷ đồng cho đường sắt và các dự án đầu tư công quan trọng khác.
Chú trọng thị trường trong nước, cân đối sản xuất trong nước, nhất là những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, năng lượng, thiết bị y tế, thiết bị vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh... cũng được UBTVQH đặt ra với Chính phủ nhằm tránh bị phụ thuộc bên ngoài.
Cùng với đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ và sâu sắc thêm các giải pháp khác về xử lý vấn đề môi trường, khắc phục biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, an toàn giao thông, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ chủ quyền biển đảo… bảo đảm báo cáo toàn diện với Quốc hội.
Cho rằng an ninh nguồn nước là vấn đề quan trọng, cấp bách, UBTVQH đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung và đề xuất giải pháp cụ thể.
Liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, do chưa được báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền nên UBTVQH nêu rõ chưa đủ căn cứ để trình Quốc hội. Hiện tại, các thành viên UBTVQH chỉ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nguyên tắc trong điều hành, chủ yếu là điều hành về ngân sách, rà soát các chính sách về tín dụng, tránh để nợ xấu gia tăng.
Trước đó, trình UBTVQH Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới.
Kịch bản 1 là thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó GDP dự kiến tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).
Ở kịch bản này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.
Với kịch bản 2, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).
Tăng trưởng ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản theo kịch bản này ước tăng 2,1-2,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%; khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%...