Hồ Chí Minh - Bước ngoặt 1919 - 1920 trên con đường cứu nước:

Kỳ cuối: "Đây là con đường giải phóng chúng ta!"

Thứ Ba, 19/05/2020 07:04

|

(CATP) Thời điểm Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp cũng đồng thời với việc Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời. Trong các ngày 2 đến 6-3-1919, tại Moscow thủ đô nước Nga đã diễn ra Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản với sự tham dự của 52 đại biểu thay mặt cho 35 đảng (hoặc nhóm) Cộng sản và Xã hội đến từ 21 quốc gia châu Âu, Mỹ, châu Á. Đại biểu của Đảng Xã hội Pháp là Jacques Sadoul có mặt tại đại hội.

Nhìn thấy một thế giới mới

Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã thúc đẩy cuộc đấu tranh trong nội bộ các Đảng Dân chủ - Xã hội ở châu Âu và Mỹ. Nhiều nhóm đảng viên tách khỏi Đảng Xã hội để gia nhập Đảng Cộng sản tại nước mình hoặc thành lập Đảng Cộng sản và gia nhập Quốc tế Cộng sản. Trong bối cảnh đó, Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp được thành lập vào cuối năm 1919 nhằm vận động đảng gia nhập Quốc tế III và bảo vệ cách mạng Nga đang bị các chính phủ tư sản tiến công dữ dội.

Hoạt động của Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc nhiều thông tin đáng lưu tâm về cách mạng Nga. Chỉ một tuần sau khi cách mạng thành công, ngày 15-11-1917 chính quyền Xô viết đã cho ra đời bản Tuyên bố về quyền của nông dân và công nhân, trong đó nêu rõ 4 nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc: chủ quyền và quyền bình đẳng của các dân tộc Nga; quyền tự quyết của các dân tộc Nga bao gồm cả quyền tách ra và thành lập nhà nước riêng; xóa bỏ mọi đặc quyền và hạn chế trong vấn đề dân tộc và tôn giáo; quyền tự do phát triển của các dân tộc thiểu số và các nhóm dân cư sống trên lãnh thổ Nga.

Phiên khai mạc Đại hội II Quốc tế Cộng sản tại Petrograd, tháng 7-1920

Trong số các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô viết còn có Sắc lệnh về Hòa bình, về ruộng đất, về ngày làm việc 8 giờ, Sắc lệnh về hủy bỏ đẳng cấp, tước vị và phẩm hàm cũ, tất cả mọi người đều bình đẳng về danh xưng là công dân Nga... những điều mà các dân tộc thuộc bị áp bức mong ước.

Từ cuối năm 1919, tình hình thế giới dần ổn định sau nhiều biến động liên tục, hàng loạt các nước cộng hòa và cộng hòa tự trị Xô viết ra đời trên lãnh thổ Nga là tiền đề để tiến tới hình thành nhà nước liên bang vào năm 1922. Những sự kiện diễn ra nói trên đã hướng niềm tin của Nguyễn Tất Thành đến một thế giới mới.

Đại hội II của Quốc tế Cộng sản giao niềm tin mới

Đứng trước cục diện mới trên thế giới và vị thế của nước Nga Xô viết, nhà lãnh đạo Vladimir Lenin quyết định đưa vấn đề dân tộc và thuộc địa vào chương trình nghị sự của Đại hội II của Quốc tế III, sẽ diễn ra tại Moscow tháng 7-1920.

Để chuẩn bị cho đại hội, vào đầu tháng 6-1920, ông Lenin đã viết bản Luận cương về vấn đề dân tộc và gởi cho các đoàn đại biểu quốc tế nghiên cứu trước, đi kèm với yêu cầu mỗi đoàn chuẩn bị sẵn tham luận giới thiệu và đánh giá tình hình tại nước mình. Trong văn kiện này, ông Lenin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản là giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.

Tại phiên họp toàn thể ngày 26-7, ông Vladimir Lenin đã trình bày báo cáo tổng kết thảo luận tại Tiểu ban các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Trong báo cáo ông Lenin đặc biệt nhấn mạnh đến kết luận quan trọng của các cuộc thảo luận tại Tiểu ban là việc nhất trí quyết nghị "những người Cộng sản phải và sẽ chỉ ủng hộ những phong trào giải phóng dân tộc có tính chất tư sản ở những nước thuộc địa khi những phong trào đó thực sự có tính chất cách mạng, khi những đại biểu của các phong trào đó không ngăn trở việc giáo dục và tổ chức nông dân và quảng đại quần chúng bị áp bức theo tinh thần cách mạng".

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920

Con đường giành tự do, độc lập cho đồng bào và Tổ quốc

Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa được đăng tải trên báo Nhân đạo (LHumanité) vào giữa tháng 7-1920. Tác phẩm của Lenin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người đã nói: "Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế III".

Sau khi đoàn đại biểu của Đảng Xã hội Pháp từ Moscow trở về, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự các buổi báo cáo của các thành viên như Marcel Cachin, Frossaard, Guilbeaux (thành viên của Tiểu ban về vấn đề dân tộc và thuộc địa) về diễn biến và các tranh luận tại Đại hội của Quốc tế III.

Cuối tháng 12-1920, với tư cách là đại biểu Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam tham gia một đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp. Nguyễn Ái Quốc cũng là người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt trong đại hội.

Trong lời phát biểu vào chiều 26-12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu tố cáo sự tàn bạo mà thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, và cho rằng "Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức", rằng "Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa... đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa..." theo những yêu cầu của Quốc tế III.

Ở cuối chương trình làm việc của đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã cùng đa số thành viên dự đại hội bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III, tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc trở thành là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam, để thực hiện ước nguyện "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu".

Kỳ 1: “Phép thử” bất ngờ gây chấn động Hội nghị Versailles
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang