Hồ Chí Minh - Bước ngoặt 1919 - 1920 trên con đường cứu nước:

Kỳ 1: “Phép thử” bất ngờ gây chấn động Hội nghị Versailles

Thứ Hai, 18/05/2020 08:07

|

(CATP) Sáu năm sau khi rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi vòng nô lệ thực dân, cuối năm 1917 chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp sau khi đã đi qua nhiều nước, làm nhiều công việc để kiếm sống, quan sát, học hỏi. Ở đây, Nguyễn Tất Thành dành sức lực và thời gian hòa mình vào hoạt động của những người Việt Nam yêu nước ở Pháp cũng như những nhà cách mạng ở các nước thuộc địa khác có mặt tại Paris - một trung tâm chính trị thế giới lúc đó.

“Quyền lợi của dân chúng” và hệ thống ủy trị của Woodrow Wilson

Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp với lý do: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”.

Sinh hoạt trong Đảng Xã hội, Nguyễn Tất Thành tiếp xúc với các nhà hoạt động chính trị và văn hóa nổi tiếng của Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Léon Blum, Raymond Lefèbvre, Jean Longuet, Gaston Monmousseau v.v... có cơ hội tiếp nhận, trao đổi thông tin, tranh luận về tình hình thế giới. Bên cạnh đó, Nguyễn Tất Thành miệt mài với nỗ lực làm cho người dân Pháp và thế giới biết đến tình cảnh của người dân Việt Nam dưới ách thực dân, nguyện vọng độc lập - tự do - hạnh phúc của họ.

Một trong số gần 1.500 phiên họp tại 54 tiểu ban của Hội nghị Versailles

Cuối năm 1918, sau 4 năm Chiến tranh Thế giới I đẫm máu, phe Trung tâm gồm Đức, Áo - Hung và Đế quốc Ottoman cùng một vài nước nhỏ khác đã thất trận trước phe Đồng minh rộng lớn do Anh, Mỹ, Pháp, Ý đóng vai trò chủ chốt. Sống tại Paris thời đó, Nguyễn Tất Thành trải qua những tháng ngày sôi động khi lâu đài Versailles gần thành phố trở thành nơi diễn ra Hội nghị Hòa bình để giải quyết các vấn đề hậu chiến giữa hai phe và định hình cục diện mới của thế giới.

Hội nghị Versailles khai mạc ngày 18-1-1919 và kéo dài suốt 1 năm với sự tham dự của 38 đoàn đại biểu (các quốc gia bại trận chỉ được mời tới Paris sau khi tất cả các văn kiện đã được soạn thảo xong). Sự kiện chính của hội nghị là việc ký hiệp ước giữa các quốc gia thuộc phe Đồng minh với Đức ngày 28-6-1919. Bốn hiệp định khác với Áo, Bungaria, Hungary và với Đế quốc Ottoman được lần lượt ký trong các tháng tiếp theo.

Việc chia chác các thuộc địa hải ngoại của các nước bại trận (Đức là chủ yếu) và chia nhỏ Đế quốc Ottoman là vấn đề quan trọng nhất của Hội nghị Versailles. Anh và Pháp - hai quốc gia chịu gánh nặng lớn nhất của phe Đồng Minh - được hưởng phần lớn nhất.

Với tư cách là quốc gia thắng trận, Pháp giữ nguyên các thuộc địa và được ủy quyền cai quản (gọi là ủy trị) các lãnh thổ Lebanon, Syria của Đế quốc Ottoman, Cameroon và Togoland của Đức.

Lãnh đạo tứ cường tại Hội nghị Versailles (từ trái qua): các Thủ tướng David George (Anh), Vittorio Orlando (Ý), Georges Clemenceau (Pháp) và Tổng thống Woodrow Wilson (Mỹ)

Nguyễn Ái Quốc với bản Yêu sách của nhân dân An Nam

Tranh thủ Hội nghị Versailles mà Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cũng có mặt, một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp, trong đó có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành, đã cùng viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm và ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc. Bản Yêu sách kêu gọi lãnh đạo các nước Đồng minh áp dụng các lý tưởng của Tổng thống Mỹ Wilson cho các lãnh thổ thuộc địa của Pháp ở Đông Nam Á.

Tuy không yêu cầu độc lập cho Việt Nam, nhưng bản Yêu sách đòi những quyền tự do và bình đẳng cụ thể như: tổng ân xá cho tất cả người bản xứ bị án tù chính trị; người bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; tự do báo chí và tự do ngôn luận; tự do lập hội và hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất ngoại; tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; thay thế các sắc lệnh bằng các đạo luật...

Đặc biệt phần mở đầu của bản Yêu sách viết: “Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông - Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây”. Điều này cho thấy 8 điểm được nêu ra trong bản Yêu sách chỉ là một bước đi ban đầu, một phép thử để gây tiếng vang đánh động dư luận quốc tế. Thông điệp quan trọng nhất mà bản Yêu sách muốn chuyển tải là dân tộc Việt Nam mong muốn đạt được độc lập thực sự, được quốc tế công nhận, đi xa hơn chế độ ủy trị.

Bản Yêu sách được gởi tới Hội nghị Versailles ngày 18-6- 1919, cùng ngày hôm đó một bức thư ký tên Nguyễn Ái Quốc cùng với bản Yêu sách cũng được gởi tới Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson. Liên tiếp trong hai ngày 19 và 20-6, đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Paris và thư ký riêng của Tổng thống Woodrow Wilson nhã nhặn gởi thơ phúc đáp cho Nguyễn Ái Quốc thông báo đã nhận được bản Yêu sách. Trong nhiều tháng tiếp theo các văn kiện của Hội nghị Versailles dần được công bố nhưng Nguyễn Ái Quốc không nhận được thêm bất cứ phản hồi nào khác đối với bản Yêu sách từ phía các cường quốc tham dự.

Còn ở Pháp, sau khi bản Yêu sách được công bố, mật thám theo dõi Nguyễn Ái Quốc hàng ngày. Ngày 6-9-1919, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Sarraut mời Nguyễn Ái Quốc tới văn phòng để đích thân kiểm tra lý lịch. Tranh thủ cơ hội, một ngày sau cuộc gặp, Nguyễn Ái Quốc gởi bản Yêu sách cho Albert Sarraut kèm theo thư trong đó “yêu cầu cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng”.

Rõ ràng rằng các nước thắng trận chỉ lo phân chia thuộc địa và các món lợi kinh tế giành được từ các nước bại trận, không đếm xỉa gì đến việc giải quyết quyền lợi cho người dân các nước thuộc địa.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang