Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

Thứ Sáu, 27/05/2022 15:56

|

(CAO) Quy định này, được coi là an toàn và phù hợp với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tiếp tục kỳ họp thứ 3, chiều nay (27/5), Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến từ kỳ họp thứ 2, dự luật lần này đã tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), trong đó có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là Giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành).

Dự thảo cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật đã quy định tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng thống nhất nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng, đạo đức hành nghề của đại lý bảo hiểm.

Đáng chú ý, tại quy định chung về đầu tư, ông Thanh cho biết, có đại biểu cho rằng việc cho phép doanh nghiệp, chi nhánh được cho thuê bất động sản dư thừa thì rất dễ lách luật. Nếu đã cấm như dự thảo luật thì cần đưa ra định mức sử dụng bất động sản đối với doanh nghiệp và chi nhánh bảo hiểm mới bảo đảm được khả năng không lách luật.

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ thông tin, đối với quy định về tỷ lệ sử dụng bất động sản thì Khoản 5 Điều 112 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc đầu tư và hạn mức đầu tư.

Quá trình thảo luận ở kỳ họp thứ 2 còn có ý kiến đề nghị bổ sung lại quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp khác, được kinh doanh bất động sản theo quy định của Chính phủ, như đã quy định tại khoản 2 Điều 98 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Như thế, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trực tiếp mà phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh về bất động sản. Hơn nữa, quy định tại dự thảo Luật không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản (khoản 3 Điều 112) cũng an toàn và phù hợp với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Toàn cảnh phiên thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm

Vì những lẽ trên, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.

Về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo lần này đã bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…

Các sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự và tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Liên quan đến việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, để tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật đã có quy định điều cấm về "đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.

Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang