Gia đình văn hoá phải “có kinh tế ổn định và phát triển”

Thứ Sáu, 27/05/2022 14:45

|

(CAO) Đây là một trong những tiêu chuẩn khi xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” được quy định tại dự luật Thi đua khen thưởng, được Quốc hội cho ý kiến hôm nay (27/5).

Danh hiệu “Gia đình văn hoá”, theo dự luật, được xét tặng hằng năm cho hộ gia đình. Theo đó, “Gia đình văn hoá” phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, lao động, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự của địa phương; Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; thường xuyên tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Có kinh tế ổn định và phát triển.

Thảo luận nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận xét các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa còn chưa rõ ràng. Điều này, theo đại biểu Nhân, vẫn sẽ là một thách thức không hề nhỏ để có thể triển khai và mang lại ý nghĩa khen thưởng, động viên thực chất trong thực tế.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thảo luận tại Hội trường

“Làm thế nào để lượng hóa tiêu chuẩn có kinh tế ổn định và phát triển?” – ông Nhân thắc mắc. Đại biểu cũng băn khoăn thang mức nào để làm cơ sở tham chiếu xác định một gia đình có kinh tế ổn định và phát triển.

“Gia đình thu nhập tăng lên có thể được xem là một trong những cơ sở tham chiếu cho quy định trên, nhưng khi thu nhập tăng thì giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thực tế đã diễn ra trong suốt thời gian qua, thu nhập tăng đó có đảm bảo cho sự phát triển” – ông Nhân phản ánh.

Dẫn thực tế về hơn 1 triệu hộ gia đình nghèo, cận nghèo có đời sống kinh tế bấp bênh cũng như đời sống dân cư, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đại biểu của Bình Dương nêu câu hỏi: “Quy định có kinh tế ổn định và phát triển phải được hiểu thế nào với tình trạng tái nghèo vẫn còn rất cao, cùng với sự chông chênh, khó đoán định của hoàn cảnh khách quan mà đại dịch vừa qua là một ví dụ cho sự thiếu ổn định về kinh tế đối với nhóm yếu thế này?”.

Nhận định quy định có kinh tế ổn định và phát triển được xem là một chủ ý tốt, song đại biểu Phạm Trọng Nhân lưu ý, trong khi xã hội vẫn còn đó những nhóm yếu thế thì quy định này không những khó lượng hóa mà còn không thể bao trùm và công bằng cho toàn bộ các đối tượng mà nó đặt ra.

“Tôi đề nghị không chế định nội dung có kinh tế ổn định và phát triển thành tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa, nhằm tránh sự lúng túng cho chính quyền địa phương trong quy định chi tiết và đồng thời địa phương cũng sẽ không đủ thông tin dữ liệu để đánh giá tiêu chuẩn có kinh tế ổn định, phát triển và lâu dần sẽ chở nên xuề xòa và hình thức” – ông Nhân yêu cầu.

Đề cập đến tiêu chuẩn “thường xuyên tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân thắc mắc, với một đời sống và nếp sống công nghiệp ở các đô thị phát triển, nơi mà không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đang bị thu hẹp, mỗi gia đình đều đóng cửa im ắng sau giờ làm thì việc “thường xuyên tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng” sẽ thực hiện như thế nào?

“Nếu sự tương trợ, giúp đỡ chỉ dựa trên số tiền hay vật chất đóng góp mỗi lúc khó khăn mà không đủ không gian giao tiếp để lắng nghe, để chia sẻ thì việc tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng lâu dần chỉ mang tính nghĩa vụ, làm cho xong chuyện hơn là nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đối với những hoàn cảnh xung quanh” – ông Nhân nêu quan điểm.

Vì lẽ trên, đại biểu Nhân đề nghị thay quy định thường xuyên tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng bằng thường xuyên gắn bó, đoàn kết mọi người trong cộng đồng.

“Đây mới chính là nét văn hóa mà tôi tin cơ quan trình mong muốn hướng đến” – đại biểu nhận định.

Nêu lại câu chuyện một đại biểu Quốc hội khóa XIV đã thẳng thừng từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đại biểu Phạm Trọng khẳng định, đây không còn là chuyện riêng của vị đại biểu kia, bởi trong quá trình tham vấn chính sách về thực hiện dân chủ ở cơ sở, sự quan tâm của xã hội đối với danh hiệu vốn dĩ rất cao quý này ít nhiều bớt đi, hay không ít câu chuyện cười ra nước mắt đối với các hộ gia đình nhận danh hiệu gia đình văn hóa.

Tình trạng trên, theo đại biểu Nhân, phần nào cho thấy cách làm thiếu chặt chẽ, công khai, dân chủ, chưa bám sát tiêu chuẩn.

Chung mối quan tâm với đại biểu Nhân về Danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) phản ánh, danh hiệu này là nội dung đã thực hiện nhiều năm nay, 4 năm gần đây được thực hiện theo Nghị định 122 của Chính phủ.

“Chúng ta thấy rõ ràng sau kết quả của từng năm, danh hiệu này khá phổ biến đối với từng gia đình. Bình quân hằng năm có địa phương có trên 80% gia đình văn hóa và có những nơi 95%” – ông Minh nêu số liệu và cho rằng nếu tiếp tục thực hiện danh hiệu này và chỉ dừng lại ở đây, không có danh hiệu cho gia đình tiêu biểu thì rất khó để tìm được hạt nhân điển hình tạo phong trào thi đua.

Vẫn theo ông Minh, nếu chỉ dừng lại ở danh hiệu gia đình văn hóa và thực hiện bình xét theo các tiêu chuẩn của Nghị định 122 thì ý nghĩa của gia đình văn hóa đối với hộ gia đình sẽ kém ý nghĩa dần và thời gian cũng sẽ bớt đi sự trân trọng đối với danh hiệu này, bởi “hầu như gia đình nào cũng đạt”. Đó lý do để đại biểu Minh đề xuất có danh hiệu gia đình tiêu biểu, để “khuyến khích phong trào thi đua của cá nhân, hộ gia đình ở địa phương, nhất là trên địa bàn khu dân cư”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang