Chủ động điều chỉnh chỉ tiêu NSNN
Nhìn nhận đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, Bộ Chính trị lưu ý cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài.
Bộ Chính trị yêu cầu khai thác tối đa nguồn lực trong nước
Mục tiêu hướng tới, theo Bộ Chính trị, là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.
Bên cạnh yêu cầu phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Chính trị giao Chính phủ chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước, trong đó có thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước.
Các yêu cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường… cũng được Bộ Chính trị nhắc tới.
“Xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hoá cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế” – kết luận nêu rõ.
Cùng với đó, phải chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công
Với những định hướng trên, Bộ Chính trị đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế
Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm 2020.
Bộ Chính trị chỉ ra phải thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.
Kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021. Trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới. Khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực.
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
“Chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Điều chỉnh một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 từ phương thức đầu tư đối tác công - tư sang đầu tư từ ngân sách nhà nước” – Bộ Chính trị đề nghị.
Về dài hạn, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cùng với yêu cầu đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, Bộ Chính trị đề nghị đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Lưu ý phục hồi và ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, Bộ Chính trị nêu rõ cần tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hoá, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu.
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy sức sáng tạo và khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo việc làm cho người lao động cũng là vấn đề được Bộ Chính trị nêu ra cùng với yêu cầu đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.
“Phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn là đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển vùng bền vững, đồng bộ, hệ thống, tạo tác động lan toả” – Bộ Chính trị nêu cùng với yêu cầu thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, tạo cơ sở phát triển mô hình tổ chức lãnh thổ, tổ chức sản xuất kinh doanh mới…