TP.Hồ Chí Minh:

Khắc phục xung đột pháp luật để xây dựng chính quyền đô thị, thành phố thông minh

Thứ Năm, 04/06/2020 19:09  | Lê Ngân

|

(CATP) Ngày 4-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức tọa đàm “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết - Cùng Đảng bộ TP xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Chủ trì tọa đàm có các bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM; ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng ban Dân vận Thành uỷ TP.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, Trong đó truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân TPHCM luôn được thể hiện rõ nét là đặc trưng để phát triển.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Góp ý cho sự phát triển của TPHCM, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP, cho rằng TP cần nghiên cứu đề xuất những vấn đề liên quan về thể chế nhằm tháo gỡ những ách tắc, khắc phục sự chồng chéo, xung đột pháp luật và những cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện triển khai mô hình chính quyền đô thị, TP thông minh, khu đô thị sáng tạo và một số mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thực tiễn phát triển của TP.

Bên cạnh đó, TP cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho TP, khu vực… Cùng với đó, cần có chính sách thu hút người tài, người giỏi đến TP làm việc, đồng thời có cơ chế sử dụng chuyên gia theo công trình, dự án, đề tài… để tạo đột phá cho sự phát triển của TP.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP, đề xuất cần tổ chức và huy động đội ngũ trí thức khoa học các lĩnh vực, ngành nghề tham gia phản biện khoa học các chủ trương, chính sách, các đề án, chương trình, dự án đầu tư phát triển của Chính phủ và chính quyền địa phương; cần tập hợp người lao động tự do, cá thể trong những hình thức tổ chức phù hợp nhằm giải quyết việc làm ổn định, có lợi cho mình và cho cộng đồng xã hội.

Cần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của lòng dân. Việc phát huy này sẽ tiếp tục giúp TP giữ vững vai trò vị trí đầu tàu kinh tế của đất nước, góp phần xứng đáng thực hiện sứ mạng “Cùng cả nước, vì cả nước xây dựng thành công Tổ quốc Việt nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng các cán bộ, đảng viên trước tiên cần thấu hiểu lòng dân, sau mới xây dựng các chủ trương, chính sách. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần đào tạo được những cán bộ, đảng viên có đạo đức, năng lực, nhiệt huyết để gần dân, hiểu dân và chia sẻ với dân.

Ông Trần Tấn Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, nêu ý kiến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị TP và sự đồng thuận của người dân. Do vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cần giữ vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của các giới đồng bào, truyền thống đoàn kết sắc son một lòng đi theo Đảng; đồng thời kiên trì trong tuyên truyền vận động để vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt, trong đó có vấn đề đoàn kết tôn giáo để tạo động lực trong xây dựng và phát triển TP.

Bà Tô Thị Bích Châu phát biểu tại tọa đàm

Kết luận tại tọa đàm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, đề nghị MTTQ các cấp của TP phải luôn là cầu nối, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.

Bà Tô Thị Bích Châu lưu ý các cấp ủy, chính quyền phải tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, thấm nhuần mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.

Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của lòng dân, xây dựng sự đồng thuận trong xã hội và đề cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tập hợp các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn vững chắc trong công cuộc đổi mới, xây dựng TP, đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang