(CATP) Chiều 4-6, UBND TPHCM họp về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách tháng 5 và 5 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 6-2020. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP chủ trì phiên họp cùng với các phó chủ tịch.
Báo tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư đánh giá TP đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát; TP chủ động chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan. Thành lập tổ Công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh COVID-19; triển khai thực hiện các Bộ chỉ số đánh giá an toàn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động trên địa bàn.
Ngoài ra, TP thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em... góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tập trung vào công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động bị ngừng việc, mất việc. Triển khai tích cực các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID...
Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm của UBND TPHCM
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân TP trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đến nay TP qua ngày thứ 62 không có ca lây nhiễm Covid-19 phát sinh trong cộng đồng. Đặc biệt, ở TP và trên cả nước chưa có ca nào tử vong vì Covid-19. Đó là kết quả của sự phấn đấu của đội ngũ y bác sỹ, quân nhân Bộ Tư lệnh TP, CATP, các thành viên trong ban chỉ đạo, các sở, ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh và sự đoàn kết của toàn thể nhân dân.
Đó là điểm sáng cần biểu dương đối với các ngành các cấp đặc biệt Sở Y tế và Bộ tư lệnh Thành phố. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh rất khâm phục và biết ơn đội ngũ y bác sỹ thành phố. Qua đây nhân dân cũng nâng cao niềm tin với nhà nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các sở, ngành và nhân dân đề cao cảnh giác khi trên thế giới đã có những nước xuất hiện làn sóng thứ hai về lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị tiếp tục nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Theo đó, chương trình phục hồi kinh tế với hai giai đoạn, thứ nhất giải pháp tình thế có phương án bám trụ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Gắn tái cơ cấu theo chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt tái cơ cấu thị trường là thách thức của các doanh nghiệp.
Hiện TP có hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 39,9 % so cùng kỳ theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư. “Ngăn chặn phá sản là ngăn chặn mất việc của người lao động. Đa số doanh nghiệp của TP có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đây là đối tượng dễ bị gãy đổ qua “cơn bão” Covid-19. Vì vậy TP cần có giải pháp hết sức cụ thể để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường”, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị cần giải quyết rốt ráo các vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9). Ông Phong đề nghị các ban ngành liên quan tập trung giải quyết vấn đề liên quan tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao, phải quyết liệt bám sát Kết luận 1037 để giải quyết trong tháng 7-2020. Song song đó, một số dự án ở Thủ Thiêm sẽ khởi công trước Đại hội Đảng bộ TP và lập danh mục các dự án tại đây sẽ làm trong năm tới 2021.
Dự án khởi công phải hoàn thành chứ không để đó
Cùng ngày, Đoàn giám sát HĐND TPHCM do bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP, làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (gọi tắt là Ban Giao thông). Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải, một số đại biểu HĐND TP, các sở, ngành liên quan.
Tại buổi giám sát, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, báo cáo hiện Ban Giao thông đang quản lý 252 dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi làm việc
Trong năm 2020, Ban Giao thông đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch thực hiện đối với các dự án trọng điểm bao gồm hoàn tất thủ tục trình phê duyệt, điều chỉnh dự án là 18 dự án đầu tư; hoàn tất các thủ tục khởi công 31 gói thầu, dự án; thi công 59 dự án, trong đó, phấn đấu hoàn thành 32 dự án; hoàn tất hồ sơ trình để HĐND, UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư công 19 dự án.
Tính đến ngày 3-6, đang thực hiện hoàn tất thủ tục trình phê duyệt 18 dự án đầu tư; đã khởi công 22/31 gói thầu, dự án; đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các dự án; đã hoàn chỉnh hồ sơ 8 dự án để trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp giữa năm 2020.
Ông Lương Minh Phúc cho biết qua quá trình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, nguyên nhân làm chậm trễ tiến độ các dự án giao thông là do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm; vướng công tác di dời công trình tiện ích; công tác phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan, đơn vị; chậm trễ do chủ đầu tư.
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho rằng chúng ta đề ra nhiều công trình, dự án và tập trung khởi công nhưng hiệu quả từng dự án, công trình chưa được đánh giá. Cho nên, sắp tới khi trình ra HĐND TP từng dự án, công trình phải đánh giá được hiệu quả và đối tượng thụ hưởng, thời gian hoàn tất.
Vì vậy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ban Giao thông chủ động phối hợp các quận, huyện để tháo gỡ vướng mắc về công tác bồi thường GPMB, nếu vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo UBND TP tháo gỡ.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc để giải quyết dứt điểm các dự án đã kéo dài nhiều năm, tránh tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, triển khai nhiều dự án một cách dàn trải, hiệu quả chưa cao.
“Dự án đã khởi công phải hoàn thành, chứ không phải khởi công rồi để đó. Do đó, đề nghị Ban Giao thông rà soát lại các dự án mà mình đang quản lý đã khởi công nhưng thi công dở dang để phối hợp cùng địa phương để tháo gỡ” – bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.