(CAO) Hôm qua (18-9), nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội nhận định như vậy khi cho ý kiến về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan, các đại biểu cũng yêu cầu đánh giá sâu hơn về chất lượng của tiến trình hội nhập này.
Thay mặt đoàn giám sát báo cáo trước Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã tác động toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận xã hội. Những kết quả nổi bật đáng kể chính là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số sản phẩm đứng hàng đầu thế giới...
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch và được tái cơ cấu theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đóng góp cao vào tăng trưởng. “Hội nhập kinh tế mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân, người lao động. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007.
Thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm bình quân đầu người một tháng tăng so với trước khi gia nhập WTO” - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, đồng thời khẳng định điều này phản ánh đời sống của người dân có sự cải thiện từ sau khi gia nhập WTO.
Cơ bản tán thành với những điểm tích cực mà báo cáo nêu ra song nhiều ý kiến đặt vấn đề liệu kết quả đạt được đã thực sự tương xứng với mục tiêu và kỳ vọng đặt ra khi Việt Nam gia nhập WTO hay không? Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị cần bổ sung phần đánh giá tác động đối với ngành nông nghiệp và lao động từ nông nghiệp từ khi Việt Nam gia nhập WTO. “Những kết quả đạt được, những tác động tích cực và những áp lực, khó khăn, bất cập khi chúng ta đi ra biển lớn trong một nền kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp ra sao, tác động đến chủ trương của chúng ta trong xây dựng nông thôn mới?” - ông Hiền nêu vấn đề.
Nhìn vào những bất cập từ quá trình hội nhập như chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu, chậm được cải thiện; chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa cao như chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu, tính liê kết với doanh nghiệp trong nước kém hay năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế, nhiều đại biểu kiến nghị báo cáo cần phân tích sâu hơn để làm rõ nguyên nhân của những yếu kém này. Nói về nguyên nhân “lỗi hệ thống”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: “Lỗi hệ thống thì trong chính sách có vấn đề gì? Về luật, từ 2007 – 2013 quá trình hoàn thiện luật của chúng ta chậm nên cũng ảnh hưởng đến vấn đề phát triển. Trong lỗi hệ thống có cơ chế điều hành, cải cách hành chính, bộ máy và thực hiện kỷ cương trách nhiệm của công chức”.
Chung qua điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý báo cáo cần chỉ ra hệ thống pháp luật vừa qua đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO chưa? “Có nhiều ý kiến rằng quá trình vừa qua còn có rào cản, chưa đáp ứng yêu cầu thì đoàn giám sát phải chỉ rõ ở lĩnh vực nào, còn cứ đánh giá là rào cản chung chung thì chưa ổn” – ông Hiển góp ý. Cũng theo ông Hiển, cải cách thủ tục hành chính cũng là vấn đề phân tích để thấy rằng quá trình hội nhập chưa đạt mong muốn là do có yếu tố chủ quan về hệ thống pháp luật. “Cơ bản vào WTO được nhiều hơn mất. Nhưng tại sao lợi thế chính của chúng ta vừa qua không phát huy được là câu hỏi rất quan trọng cần phải trả lời” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách trăn trở.
Một điểm đáng chú ý là số liệu trong Báo cáo giám sát cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm giai đoạn 2007-2014 (5,94%) thấp hơn so với giai đoạn 2001-2006 (7,27%). Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững do vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động, trong khi tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng thấp hơn nhiều nước khác. Tăng trưởng GDP nước ta dựa vào yếu tố vốn chiếm 52-53%, yếu tố lao động 19-20%, yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 28-29%; trong khi yếu tố TFP ở một số nước trong khu vực chiếm 35-40%. Đây cũng là nỗi lo của nhiều thành viên Ủy ban TVQH.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo cho thấy nhiều kết quả đạt được cao hơn so với trước khi gia nhập WTO nhưng đó chỉ là “vỏ”.
Chất lượng và sự bền vững như thế nào cũng cần làm rõ hơn để thấy rõ được thực tế. Tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân vân, nhiều đánh giá về kết quả đạt được là hơi cao so với thực tế, nhất là việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội phát biểu thảo luận
Ngoài ra, yếu tố con người chưa được đánh giá đúng mức, vì thể chế có hoàn thiện mà bộ máy, con người không đúng tầm thì khó đạt kết quả như mong muốn. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, báo cáo cần có so sánh với các nước trong khu vực để thấy mức độ mà Việt Nam đạt được so với các nước để thấy được bước đi thành công cũng như nhìn nhận rõ thách thức để vượt qua. “Người Việt Nam được hưởng lợi gì và đứng trước áp lực gì của tiến trình này?” - bà Mai kiến nghị.