Đề nghị sửa đổi vụ án hành chính cấp huyện do tỉnh xử, cấp tỉnh do toà chuyên biệt xử

Thứ Hai, 20/03/2023 10:31

|

(CAO) Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, lần sửa luật này, dự kiến sửa đổi vụ án hành chính cấp huyện giao cho tỉnh xử, vụ án cấp tỉnh do toà chuyên biệt xử.

Chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phản ánh, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Đại biểu đề nghị Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này.

Cho biết các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, bà Hoa nói dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang tòa án giải quyết.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu câu hỏi chất vấn

“Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của tòa án trong thực hiện đề xuất này?” – bà Hoa nêu câu hỏi.

Hồi âm đại biểu, Chánh án Nguyễn Hoà Bình thừa nhận, việc xét xử các vụ án hành chính hiện nay “có nhiều vấn đề”.

“Năm 2022, tỷ lệ đạt yêu cầu Quốc hội giao có tăng nhưng không nhiều, vượt 12%. Tỷ lệ án hành chính trong nhiều năm rất thấp nên Quốc hội giao chỉ tiêu cũng thấp” – Chánh án toà tối cao cho biết.

Nêu tồn tại liên quan đến án hành chính, ông Bình thông tin, tỷ lệ án bị huỷ sửa nhiều, có năm lên tới 4%.

Đáng chú ý, theo ông Bình, án hành chính không được thực thi. “Có bản án rồi nhưng UBND các cấp không thi hành nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân” – ông Bình nêu.

Nguyên nhân, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhìn nhận, “có tình trạng nể nang nhưng không nhiều”. Ông khẳng định, tuyệt đại đa số các thẩm phán đều tuân thủ đúng nguyên tắc.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn

Do đó, việc nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ án phải huỷ, sửa cao. Lý do chính là do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân không đầy đủ.

“Việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không đủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Các bên chuẩn bị tài liệu không đầy đủ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử” – ông Nguyễn Hoà Bình phân tích và nói thêm, Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu cho người dân nhưng việc cung cấp này trên thực tế không đầy đủ.

Thêm nữa, ông Bình đánh giá, sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên toà hành chính rất hạn chế, bởi Luật quy định Chủ tịch UBND bị kiện thì phải trực tiếp ra tòa, nếu uỷ quyền thì chỉ được uỷ quyền cho cấp phó, không được uỷ quyền sâu hơn.

“Các đồng chí Chủ tịch UBND cấp tỉnh rất bận nên khả năng tham gia phiên toà hạn chế. Đây là nguyên nhân chính” – ông Bình nhìn nhận.

Đề cập giải pháp, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, ngành toà án đã có 14 giải pháp. Riêng với tình trạng cả nể trong xét xử, dù ít, nhưng Chánh án cho rằng cũng cần phải được đặt ra.

“Sửa Luật lần này, chúng tôi dự kiến sửa đổi vụ án cấp huyện giao cho tỉnh xử, vụ án cấp tỉnh do toà chuyên biệt xử” – ông Bình nói.

Về việc giao các tranh chấp đất đai giao cho toà xử, Chánh án lo ngại, nếu giao hết cho toà thì đã hạn chế quyền lựa chọn của người dân.

“Việc xét xử hành chính của người dân tại uỷ ban có một cái lợi rất lớn là uỷ ban cấp dưới sai thì uỷ ban cấp trên có tài liệu, có khả năng sửa chữa ngay, không mất nhiều thời gian vì các anh có quyền thu thập tài liệu…” – ông Bình nêu quan điểm, đồng thời cho rằng không nên giao hết cho toà.

“Án hành chính xử không được thì vẫn lên đến toà. Xu hướng hiện nay vẫn không nên giao hết cho toà”- ông Bình nhắc lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ tranh luận từ đầu cầu Bình Định

Tranh luận từ đầu cầu Bình Định, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ phản ánh, việc Chủ tịch UBND hoặc người uỷ quyền xin xét xử vắng mặt vì nhiều lí do. Để đảm bảo tính nghiêm túc của khoản 3 Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định, Chủ tịch UBND uỷ quyền cho các Phó Chủ tịch UBND trong toàn bộ quá trình tố tụng các vụ việc hành chính.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thuỷ, điều này ảnh hưởng lớn đối với các vụ án mà trình tự thủ tục kéo dài. Đối với việc xử lý án hành chính chung, thực tế nhiều vụ án thì Chủ tịch hoặc người đại diện có đơn xin giải quyết vắng mặt.

Do vậy, với quan điểm tại khoản 3 Điều này, đại biểu đề nghị nên quy định về sửa đổi, bổ sung trong một số trường hợp, Chủ tịch UBND được uỷ quyền cho các thành viên và các Uỷ ban có liên quan trong việc tham gia quá trình tố tụng.

“Xin Chánh án cho biết quan điểm và giải pháp để không ảnh hưởng đến việc xử lý án hành chính và đảm bảo tính nghiêm túc của các vụ án hành chính” - đại biểu Thuỷ hỏi.

Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Luật quy định Chủ tịch tỉnh phải ra tòa khi bị người dân kiện, nếu ủy quyền cho cấp phó thì không đủ người thực thi công vụ.

Nêu giải pháp, ông Bình cho rằng phải nâng cao chất lượng các quyết định hành chính, đảm bảo đúng theo pháp luật để tránh việc người dân khiếu kiện.

Dẫn tổng kết thực tiễn việc thi hành luật Tố tụng hành chính, người đứng đầu ngành toà án cho hay, việc ra tòa liên tục của lãnh đạo UBND tỉnh có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành. Vì thế, ông nói rằng đây là điều cần cân nhắc, xem xét kỹ trong xây dựng pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang