Chuyển kiến nghị của cử tri TPHCM đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đoàn đại biểu Quốc hội TP phản ánh, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có biện pháp siết chặt các loại hình kinh doanh của ngân hàng, phải minh bạch, công khai khi tư vấn sản phẩm cho khách hàng cũng như tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, đảm bảo quyền lợi của người dân khi gửi tiền.
Ký văn bản trả lời, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng (TCTD) được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi hoạt động được cấp phép và tuân thủ quy định của pháp luật.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, bà Hồng khẳng định, NHNN đã chỉ đạo các TCTD phải công khai, minh bạch khi tư vấn sản phẩm cho khách hàng, tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, đảm bảo quyền lợi của người dân khi gửi tiền.
NHNN, theo bà Hồng, đã ban hành các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ của các TCTD.
Thời gian tới, bà Hồng cam kết, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ các TCTD nhằm phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật, từ đó có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp, góp phần hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Cũng trong kiến nghị gửi tới NHNN, cử tri TPHCM đề nghị cơ quan này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD, kịp thời phát hiện và cảnh bảo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.
Hồi âm cử tri, người đứng đầu NHNN chia sẻ, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), NHNN đã triển khai thanh tra đột xuất và ban hành kết luận thanh tra về hoạt động đầu tư TPDN tại 11 TCTD.
“Trên cơ sở kết quả thanh tra, NHNN đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các TCTD có hành vi vi phạm” - bà Hồng thông tin.
Theo bà, kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý có liên quan đã góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động (nếu có), đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư TPDN.
Nhấn mạnh thời gian qua, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế rủi ro đối với hoạt động đầu tư TPDN của TCTD, bà Hồng cho biết tới đây sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của TCTD khi đầu tư, nắm giữ TPDN. Việc này, bà Hồng nhìn nhận, nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thị trường TPDN từng bước ổn định, phát triển bền vững.
Cơ quan quản lý nhà nước ngành ngân hàng cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định để khắc phục các bất cập, hạn chế đã phát sinh, tạo khung khổ cho thị trường TPDN phát triển lành mạnh.
Cùng với việc tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư TPDN, việc cung ứng các dịch vụ liên quan TPDN nhằm kịp thời phát hiện rủi ro và các hành vi vi phạm pháp luật, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại và phát triển bền vững các phân đoạn thị trường tài chính, trong đó có thị trường TPDN để thúc đẩy thị trường này trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của nền kinh tế.
NHNN cũng chủ động theo dõi sát thanh khoản hệ thống TCTD, diễn biến thị trường tiền tệ để có các giải pháp điều hành phù hợp nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước đề nghị của cử tri về việc các ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho các nhà đầu tư, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dẫn lại các quy định pháp luật liên quan và chỉ ra, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.
Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, bà Hồng nói, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Vẫn theo người đứng đầu NHNN, ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại TPDN trong trường hợp ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại TPDN đã phát hành.