Về đề xuất cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi: Không nên để lỡ cơ hội quản trị xã hội

Thứ Sáu, 17/03/2023 10:40

|

(CAO) Nêu thực tế trẻ em cũng có rất nhiều giao dịch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, không nên để lỡ cơ hội quản trị xã hội khi có những công dân không có giấy tờ.

Thay mặt Chính phủ, sáng nay (17-3), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trong các nội dung điều chỉnh lần này, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Bộ trường Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình

Luật Căn cước công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc cấp, quản lý căn cước công dân được xây dựng, hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động, quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, bỏ sổ hộ khẩu giấy, xác lập danh tính điện tử của công dân thông qua mã số định danh cá nhân, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

“Người dân có thể thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính ở bất cứ nơi nào, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, góp phần kiến tạo Chính phủ liêm chính, hành động, phát triển phục vụ nhân dân, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số” - tờ trình của Chính phủ nêu.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân…, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp

Có 4 nhóm chính sách được đặt ra trong lần sửa đổi này, là quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.

Dự luật cũng bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Cạnh đó, dự luật hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Làm rõ hơn về đề xuất này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phản ánh, thực tế cho thấy rất nhiều trẻ em phải có giao dịch.

“Chúng tôi đã làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo và được đề nghị phải cung cấp cho Bộ số liệu một xã, một phường có bao nhiêu trẻ em, từ đó tính toán hệ thống đào tạo giáo dục và cư trú, bao nhiêu trẻ em đang cư trú có hoặc không có hộ khẩu đang tạm trú tại địa bàn” - Bộ trưởng nêu ví dụ.

Cho biết nhiều thông tin phục vụ rất tốt cho các kỳ thi, ngay cả với các bé vào lớp 1 cũng rất cần, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, chính quyền địa phương đánh giá rất cao sự chủ động này từ phía cơ quan quản lý nhà nước, từ phía ngành giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm giải trình tại phiên họp

“Chúng ta kêu gọi Chính phủ điện tử thì các cháu cũng phải được giao dịch. Đăng ký sim điện thoại phải có căn cước thế thì các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay đăng ký của bố mẹ để dùng?” - Bộ trưởng đặt vấn đề. Theo ông, để tránh những bất cập, cần phải hoàn thiện những vấn đề này.

“Ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh thì các cháu không có giấy tờ gì khác để giao dịch. Đi học cũng phải dựa vào khai sinh, mà giấy khai sinh không chứng minh được người khai sinh với người sử dụng…” - Bộ trưởng phân tích thêm về những bất cập trên thực tế.

Vẫn theo người đứng đầu Bộ Công an, việc cấp CCCD cho trẻ cũng giúp các cháu có điều kiện hội nhập quốc tế. Nếu do sự phát triển, 5 năm các cháu phải thay đổi một lần, thì nếu hệ thống quản lý đồng bộ, Bộ trưởng cho rằng sẽ không sợ có sự cố.

Nhắc lại mục tiêu 100% nhân dân giao dịch được trên môi trường điện tử và Bộ Công an hướng đến mục tiêu 100% người dân có CCCD, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ, việc này được thực hiện càng sớm càng tốt, để phục vụ cho quản lý xã hội, giao dịch xã hội thông minh, tiện lợi nhất.

“Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này trong quản lý, quản trị xã hội, không để khoảng trống ở đây khi có những đối tượng không có giấy tờ gì” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang