Không thể bất lực trước sim "rác"!

Thứ Ba, 14/03/2023 17:07

|

(CATP) Cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác" là nguồn gốc gây bức xúc, làm phiền người dùng, và còn các động thái lừa đảo muôn hình vạn trạng khác. Nhiều năm qua Bộ TT-TT đã có nhiều biện pháp giải quyết vấn nạn sim "rác" trên thị trường. Tuy nhiên, vấn nạn sim "rác" vẫn tiếp tục hoành hành với những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Lần này, Bộ TT-TT sẽ tiến hành chuẩn hóa thuê bao di động. Những thuê bao có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa.

Nỗ lực tìm cách xóa sim "rác"

Từ năm 2017, Bộ TT-TT đã cố gắng giải quyết tận gốc kho sim "rác" khổng lồ lưu hành trên thị trường. Đến giữa năm 2017, đã có khoảng 20 triệu sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối bị thu hồi. Nhưng sim "rác" vẫn tiếp tục hoành hành. Cuối tháng 7-2019, Bộ TT-TT có động thái được xem là quyết liệt, yêu cầu các nhà mạng phải cam kết trước tháng 9-2019 phải thu hồi toàn bộ các sim kích hoạt sẵn trên thị trường, nhằm xóa sổ sim "rác", tin nhắn "rác" gây bức xúc, làm phiền người dùng thời gian qua, cả các động thái lừa đảo muôn hình vạn trạng khác từ nguồn này. Khi đó, Bộ TT-TT thông tin đã quy trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch, tổng giám đốc các nhà mạng trong việc chỉ đạo xử lý sim kích hoạt sẵn, sim "rác".

Trước đó, từ tháng 6-2019, các nhà mạng đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ tự động nhận dạng hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng độ chính xác trong kiểm tra đăng ký thông tin thuê bao. Có nhà mạng sau một cú ĐT từ sim lạ, có đưa ra câu hỏi khách hàng có phải đó là ĐT quấy rầy, quảng cáo hay không, nhưng rồi cũng chẳng để làm gì. Sim "rác" vẫn cứ hoành hoành và ngày càng có nhiều chiêu lừa đảo rất chuyên nghiệp. Bộ TT-TT gần như bất lực trước vấn nạn sim "rác".

Từ sim "rác", kẻ xấu có thể gọi ĐT, nhắn tin lừa đảo, cũng như tạo ra hàng loạt công cụ phục vụ lừa đảo

Đến đầu tháng 4-2022, một lần nữa Bộ TT-TT yêu cầu các nhà mạng xóa toàn bộ sim "rác", không thể để sim "rác" gây hệ lụy cho xã hội. Biện pháp đưa ra là tháng 4-2022, Bộ TT-TT quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim "rác". Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Thanh tra Bộ TT-TT, Cục Viễn thông (VT), Bộ Công an, sẽ kiểm tra các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel, MobiCast, Đông Dương Telecom. Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết, tình trạng lợi dụng sơ hở của thông tin thuê bao, lừa đảo vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề nhức nhối gây nên nhiều hậu quả khôn lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, gia đình và xã hội. "Bộ TT-TT yêu cầu các nhà mạng phải xóa toàn bộ sim "rác", phải dồn sức toàn ngành để thực hiện nhiệm vụ này, không thể để sim "rác" gây hệ lụy cho xã hội", Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long phát biểu tại buổi thành lập đoàn thanh tra.

Đến tháng 9-2022, Bộ TT-TT công bố kết luận kiểm tra 7 doanh nghiệp VT sai phạm quản lý thông tin thuê bao gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast, các đơn vị này đã bị phạt tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Đoàn thanh tra cũng xử phạt 39 điểm VT ủy quyền trên toàn quốc với số tiền 1,770 tỷ đồng; buộc các nhà mạng phải khắc phục hậu quả là số tiền tương đương với tiền nạp vào tài khoản SIM đã kích hoạt. Đây được xem là hình phạt tương đối nghiêm khắc cho các doanh nghiệp (DN) VT.

Theo Bộ TT-TT, thị trường sim hiện nay còn tồn tại các vấn đề như: bán sim nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ VT; quản lý chưa chặt dẫn tới việc thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ, sim không chính chủ. Một số DN còn để xảy ra tình trạng nhân viên sử dụng thông tin cá nhân hoặc thông tin của người khác để đăng ký thuê bao, sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm sim cho người sử dụng.

Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động

Tại Thông báo số 16/TB-VPCP kết luận Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 ngày 25-12-2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng sim "rác".

Bộ TT-TT đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết vấn nạn sim "rác", Thủ tướng đã chỉ đạo chấm dứt tình trạng sim kích hoạt sẵn bán tràn lan trên thị trường. Thế nhưng, tình trạng này vẫn hoành hành, cùng với đó là những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, mà gần đây nhất là một số phụ huynh học sinh bị kẻ xấu dùng ĐT sim "rác" báo tin con em mình bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp để mổ, gây bức xúc dư luận.

Các nhà mạng đã chặn hàng trăm ngàn cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn là cuộc gọi "rác"

Tiếp tục nỗ lực chấm dứt để tình trạng sim "rác" hoành hành, sáng 13-3, tại cuộc họp về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao DĐ, ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó VT - Bộ TT-TT cho biết, sẽ chuẩn hóa thuê bao DĐ có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa. Việc chuẩn hóa được thực hiện theo khoản 8 Điều 1 của Nghị định 49 về lĩnh vực VTDĐ. Các số ĐT có thông tin chưa chuẩn, chưa trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng.

Theo đó, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất 1 lần để yêu cầu khách hàng cập nhật dữ liệu. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ VT 1 chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo; dừng 2 chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo; 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng. "Đây là mục tiêu thách thức, nhưng các nhà mạng đã chung tay và quyết liệt đưa ra giải pháp", ông Nhã phát biểu.

Hiện các nhà mạng cũng đang áp dụng các biện pháp cả kỹ thuật, công nghệ và thủ công cho việc chuẩn hóa. Như VinaPhone giúp khách hàng cập nhật qua ứng dụng, website và tại điểm bán. Nhà mạng cũng gửi tin nhắn được cá thể hóa theo từng thuê bao để người dùng nắm thông tin và bổ sung. Thực tế việc chuẩn hóa này cũng gặp nhiều khó khăn, như khách hàng thường e ngại, ít phản hồi thông tin vì sợ bị... lừa đảo. Cho nên, việc tuyên truyền biện pháp chuẩn hóa đến với khách hàng cần phải làm minh bạch, để khách hàng tin tưởng.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, việc chuẩn hóa thuê bao DĐ để phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng chưa khẳng định có thể giải quyết tình trạng sim "rác" hay không.

Khách hàng hãy tự bảo vệ chính mình

Trước đó, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8-2022, Bộ Công an đánh giá tình trạng sim "rác", mua bán tài khoản ngân hàng và việc chưa có giải pháp quản lý cuộc gọi VOIP (cuộc gọi qua internet) là những khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mọi cố gắng của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ chỉ có thể gây khó khăn tạm thời cho bọn lừa đảo, vấn đề quan trọng là khách hàng phải có ý thức tự bảo vệ mình. Ví dụ, trường hợp lừa đảo phụ huynh học sinh, thông báo con bị tai nạn để chuyển tiền vừa qua, bọn tội phạm lấy thông tin rất dễ dàng qua danh sách học sinh dán ở cổng trường ngay từ những ngày chuẩn bị khai giảng năm học mới, có khi có cả họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha tên mẹ, số nhà, số điện thoại... Đó là lý do nhiều phụ huynh học sinh nhận được những cuộc gọi chào mời học thêm, dạy kèm, luyện thi... Những thông tin cá nhân còn lọt qua các dịch vụ thương mại, tích lũy điểm, khuyến mãi...

Theo ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập và là CEO Công ty bảo mật CyRadar, nguyên nhân của việc lộ thông tin cá nhân xuất phát từ 2 phía: bản thân người dùng và đơn vị nắm dữ dữ liệu. Theo ông Đức, người có thói quen đăng thông tin nhạy cảm như căn cước công dân, vé máy bay, địa chỉ... lên trên mạng xã hội. Thậm chí có nhiều người vô tư cung cấp số ĐT, địa chỉ email, ngày sinh của mình và người thân ở các cửa hàng để nhận khuyến mãi.

Còn theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, vấn nạn tin nhắn "rác", cuộc gọi lừa đảo do tin tặc có nhiều cách để thu thập thông tin cá nhân, vốn đang được rao bán tràn lan trên Dark Web. Ông Hiếu cũng cảnh báo, ứng dụng nhắn tin Telegram cũng trở thành công cụ mới và được tin tặc sử dụng làm "chợ buôn dữ liệu". Thực tế trên "chợ đen" trên Telegram, các tài khoản ngân hàng có thể được rao bán đầy rẫy. Ngoài ra, các đường dây lừa đảo chuyên tìm đến những người nhẹ dạ như sinh viên, người già, để lấy thông tin, lập tài khoản ngân hàng để với mục đích lừa đảo...

Với số ĐT, kẻ gian thường sử dụng dịch vụ VOIP, hoặc sim "rác" để che giấu danh tính, vị trí. Sim "rác" là sim được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ DĐ trả trước và có thể sử dụng ngay sau khi mua mà không cần đăng ký với nhà mạng. Từ sim "rác", kẻ xấu có thể gọi ĐT, nhắn tin lừa đảo, cũng như tạo ra hàng loạt công cụ phục vụ lừa đảo như tài khoản trên phần mềm chat video call, tài khoản ví điện tử. Ông Ngô Minh Hiếu đánh giá, đây là công cụ quan trọng dẫn đến tình trạng lừa đảo tràn lan thời gian qua. Đặc thù của sim DĐ là vị trí thay đổi liên tục, dễ tiêu hủy sau một thời gian sử dụng, dẫn đến khó khăn để tìm thủ phạm. Chính vì vậy, các chuyên gia công nghệ khuyên người dùng cần bảo mật thông tin cá nhân, bảo mật thông tin tốt nhất có thể.

Tháng 8-2022, Bộ Công an cho biết dữ liệu của hơn 2/3 dân số Việt Nam bị thu thập, chia sẻ trên mạng với nhiều hình thức và mức độ. Bộ đánh giá, vấn nạn diễn ra một phần do hành lang pháp lý đảm bảo an ninh mạng chưa hoàn thiện. Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa tình trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan, trong đó có vấn nạn sim "rác".

Bình luận (0)

Lên đầu trang