Kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng

Chủ Nhật, 12/03/2023 17:45

|

(CAO) Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng, nhất là các vấn đề như kinh doanh, đại lý bảo hiểm; chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định điều này khi trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong văn bản trả lời, bà Hồng thông tin, cơ quan thanh tra ngành ngân hàng vừa qua tập trung nguồn lực thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm.

NHNN sẽ kiểm soát chặt việc phát hành TPDN qua các tổ chức tín dụng

Công tác thanh tra giám sát không chỉ dừng ở giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành quy định về an toàn trong hoạt động mà chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng, nhất là các vấn đề như kinh doanh, đại lý bảo hiểm; chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Năm 2022, thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh, kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc kiểm tra đột xuất.

Tiêng với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết, đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.

“Kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động, đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp” – bà Hồng nhìn nhận.

Vẫn theo bà, đã có nhiều quy định được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn để kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Chẳng hạn, quy định về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng (gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).

Cùng với đó, hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng và người có liên quan khi xác định giới hạn cấp tín dụng.

Ngoài ra, NHNN cũng đưa ra quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn, góp vốn…

Ngược lại, ngân hàng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của mình.

Nêu giải pháp thời gian tới, Thống đốc NHNN khẳng định, cơ quan này sẽ thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, như rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của các tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu.

NHNN cùng Bộ Tài chính hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp để khắc phục bất cập. Theo đó, nhà chức trách sẽ đưa ra quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ theo lộ trình.

“Đây cũng là giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của nền kinh tế” – bà Hồng nhận định.

Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh rằng, công tác thanh tra, kiểm tra ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay và hoạt động thanh tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm hơn, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, đúng pháp luật.

Đặc biệt, NHNN sẽ tăng giám sát, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng khoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định hệ thống tín dụng, đảm bảo dòng vốn hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cảnh báo kịp thời, xử lý các vi phạm trong cấp tín dụng của các ngân hàng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lãi dự thu cũng như giám sát các lĩnh vực hiệu quả kinh doanh thấp nhưng tăng trưởng tín dụng cao.

Liên quan đến việc này, trong thông cáo mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu từng chủ thể tham gia trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu. Phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ được yêu cầu có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và đảm bảo nhà đầu tư phải đáp ứng đủ điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến cáo, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang