Đề xuất rút gọn các thủ tục trong triển khai dự án nhà ở xã hội

Chủ Nhật, 12/03/2023 11:37

|

(CAO) Tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa phù hợp quy hoạch chung thì cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội.

Trong chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường tại tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Bộ Kế hoạch - đầu tư đặt mục tiêu tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, phát huy có hiệu quả nguồn lực từ đất.

Đáng chú ý, tờ trình đề xuất rút gọn thủ tục về quy hoạch, việc thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư khi chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch các cấp, việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại.

Nhiều vướng mắc trong triển khai dự án nhà ở xã hội được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Giải pháp để thực hiện chính sách liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, theo tờ trình, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết sẽ được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết và được lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan cùng một lúc.

Việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết.

Tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa phù hợp quy hoạch chung thì cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội.

Trường hợp quy hoạch chi tiết chưa phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội.

Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án.

UBND TP phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại theo quy định hiện hành hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quỹ đất được hoán đổi trong dự án nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội, theo Bộ KHĐT, sẽ bao gồm các trường hợp theo quy định của pháp luật về nhà ở, các loại đất khác phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện cho phép chuyên mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc này, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành hôm 11-3 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ đã đề cập đến việc tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển nhà ở nói chung và phát triển nhà ở xã hội nói riêng.

Theo đó, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" nhằm tháo gỡ các vướng mắc lớn trong thời gian qua liên quan đến các dự án này trong giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Vướng mắc về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội hay đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội... cũng sẽ được tháo gỡ.

Vẫn trong Nghị quyết này, Chính phủ nhấn mạnh khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Chính phủ xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).

Bình luận (0)

Lên đầu trang