Tuyên chiến với sim "rác"

Thứ Năm, 09/03/2023 17:47

|

(CATP) Một "công cụ” đắc lực được các đối tượng lừa đảo qua điện thoại chính là sử dụng sim "rác". Cạnh đó, tình trạng đăng ký mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng "quá dễ" cũng vô tình tạo kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Lực lượng Công an ngày đêm gian khổ lần theo từng dấu vết của các đường dây lừa đảo qua điện thoại, trong khi sim "rác" và tài khoản ngân hàng (do một số người vì thiếu hiểu biết hoặc tiếp tay cho tội phạm cung cấp) "giăng lưới" khắp nơi. Đã đến lúc cần mạnh tay, xử lý quyết liệt đối với các sim "rác".

Mỗi tháng chặn vài vạn cuộc gọi "rác", vẫn không xuể

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng sim "rác" nhằm mục đích lừa đảo các nạn nhân theo nhiều kiểu khác nhau và khá phổ biến. Mới đây, nổi lên tình trạng kẻ gian lừa một số phụ huynh bằng cách gọi điện thông báo con em họ bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp để mổ mới cứu được tính mạng thì đã đến lúc báo động đỏ về sim "rác". Ngày 08-3-2023, ông T.K.G (ngụ H.Bình Chánh, TPHCM) bức xúc, nói: "Quá nhiều cuộc gọi từ sim "rác" để lừa đảo. Tôi gặp hàng chục lần. Nào là thông báo của tòa án, nào là nói tôi vi phạm giao thông... Bực mình quá nên cứ thấy số lạ là tôi không bao giờ nghe máy".

Ngay cả trường hợp là khách quen, nhưng khi họ sử dụng sim "rác" để gọi điện cho mục đích công việc thì ông G. vẫn nhất quyết không bắt máy. Cho đến khi người đó phải sử dụng số ĐTDĐ có đăng ký với nhà mạng mà ông G. đã lưu trong danh bạ thì ông G. mới đồng ý nói chuyện. Lúc đầu, vị khách quen mắng vốn: "Sao ông không nghe điện thoại?...", ông G. lập tức trả lời: "Lừa đảo nhiều quá nên tốt nhất gặp số lạ hoặc thấy sim "rác" là tôi bấm tắt luôn". Có thể nói, cuộc chiến với sim "rác" không những bắt đầu từ các nhà mạng, mà ngay bản thân người dùng ĐTDĐ có cách đối phó như ông G. thì ai dùng sim "rác" sẽ tự vứt bỏ, còn kẻ gian thì không thể lừa đảo ông được.

Ngày 08-3, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đến nhiều điểm bán ĐTDĐ và sim trên địa bàn các quận 3, 5, 10..., đều nhận được cái lắc đầu và cam kết "không bán sim "rác"". Một chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (Q3) nói: "Có nhiều số sim khách có thể lựa chọn. Nhưng sim "rác" không bán từ năm ngoái đến giờ. Khi mua sim, cần xuất trình giấy CCCD hoặc CMND còn thời hạn sử dụng, đăng ký đàng hoàng, chụp ảnh người đứng tên đăng ký sim thì chúng tôi mới bán".

Công an TPHCM từng triệt phá một băng nhóm lừa đảo 600 nạn nhân qua mạng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), trong gần 3 năm, Bộ đã xử lý quyết liệt đối với 22 triệu sim không có đầy đủ thông tin đăng ký. Trong năm 2022, mỗi tháng Bộ TT-TT nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi "rác" hoặc đe dọa, khủng bố tinh thần. Thời gian qua, các đơn vị đã sử dụng công nghệ rất tốt nên tin nhắn "rác" không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, các cuộc gọi "rác" lại đang nổi lên. Thực ra, cuộc gọi "rác" đang xảy ra trên toàn cầu, chứ không riêng nước ta. Gần đây, Bộ TT-TT đã công bố đường dây nóng để người dân phản ánh cuộc gọi "rác", nhưng về lâu dài thì phải dùng công nghệ. Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng nghiên cứu, phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi "rác" và chủ động ngăn chặn. Mỗi tháng, Bộ TT-TT đã cho chặn từ 30.000 - 40.000 cuộc gọi "rác".

Công an TPHCM liên tục cảnh báo về tội phạm lừa đảo

Trong suốt mấy năm qua, lực lượng Công an TPHCM, trong đó có Chuyên đề Công an TPHCM, liên tục phát thông báo, đăng bài cảnh giác về loại tội phạm sử dụng sim "rác" và công nghệ cao để lừa đảo người dân, doanh nghiệp... Mới nhất, từ đầu tháng 3-2023 đến nay, xảy ra các trường hợp phụ huynh có con em đang học tại một số trường, bị kẻ xấu gọi điện thoại báo tin giả là con em họ "bị tai nạn, cần chuyển khoản tiền để mổ gấp". Đến khi phụ huynh vội vàng đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy (Q5) thì mới biết mình bị lừa.

Người dân cần cảnh giác khi nhận tin nhắn hoặc cuộc gọi từ người lạ, với nội dung bất thường

Trước tình trạng trên, ngày 08-3, Công an Q5 đã tuyên truyền đến người dân để cảnh giác đối với thủ đoạn gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh là con em họ đang đi học, bị tai nạn cần nộp tiền để mổ cấp cứu. Công an Q5 cho biết: "Đối tượng giả mạo là giáo viên, nhân viên của trường, bác sĩ hoặc nhân viên của bệnh viện và cán bộ cơ quan chức năng". Đây là hành vi tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho nạn nhân, sau đó đối tượng mạo danh cung cấp tài khoản để nạn nhân chuyển tiền đóng tạm ứng viện phí. Sau khi lừa được phụ huynh chuyển tiền, kẻ xấu lập tức chuyển số tiền vừa nhận khỏi tài khoản đã cung cấp, rồi chiếm đoạt.

Công an Q5 khuyến cáo: Khi nhận được thông báo qua điện thoại về việc "có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền", phụ huynh cần bình tĩnh xác minh sự việc với nhà trường. Trường hợp khẩn cấp, nếu không liên lạc được với nhà trường, phụ huynh có thể liên lạc trực tiếp đến đường dây nóng của Công an Q5 (028.3855.0878), số điện thoại của Công an phường gần nhất để được hỗ trợ hoặc số điện thoại của bệnh viện (nơi có thông tin là con em mình đang được cấp cứu). Đặc biệt, người dân tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền hoặc đăng nhập đường "link" lạ được cung cấp qua điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng "chat"... để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, nếu nghi vấn hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được xác minh, làm rõ.

Vụ việc điển hình cho loại tội phạm gọi điện thoại để lừa đảo, theo điều tra ban đầu, ngày 03-3-2023, phụ huynh M.T có con đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP.Thủ Đức) nhận cuộc gọi của một phụ nữ xưng là "nhân viên y tế của nhà trường", thông báo con mình bị té trong lúc chơi đùa và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Q5), trong tình trạng nguy kịch. Khi đàm thoại, người phụ nữ đó đã chuyển máy cho người xưng là "bác sĩ khoa cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy", người này nói cháu bé bị chấn thương sọ não, mất nhiều máu..., cần phẫu thuật gấp. Nếu phụ huynh ở gần bệnh viện thì mang tiền đến ngay, còn không thì chuyển khoản để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật.

Kiên quyết xử lý sim "rác", góp phần ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo

Do quá lo lắng cho con và hoảng hốt, phụ huynh M.T vội vàng chuyển khoản ngay 40 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng được đối tượng trên cung cấp. Ngay sau đó, phụ huynh M.T liên hệ với cô giáo chủ nhiệm thì mới biết con mình đang học tại trường bình thường. Phụ huynh này liên lạc lại với số máy đã gọi cho mình thì điện thoại tắt máy. Phụ huynh M.T báo cho ngân hàng nơi mình mở tài khoản về việc bị lừa đảo và nhờ kiểm tra thì được trả lời là số tiền đã bị đối tượng rút hết.

Hiện nay, tình trạng các nền tảng dịch vụ, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng không có pháp nhân, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam triển khai biện pháp quản lý, phối hợp. Do đó, còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ tiền ảo, quản lý, sử dụng sim, đặc biệt là sim "rác", cuộc gọi "rác".

Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an từng khẳng định tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Bộ Công an đã kiến nghị một số giải pháp, gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng. Các ban, bộ, ngành, địa phương cần chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin, dữ liệu. Cạnh đó, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu; mở rộng quan hệ hợp tác quốc gia và với tổ chức, doanh nghiệp bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới.

Về vụ án sử dụng thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại và tài khoản ngân hàng, ngày 08-3-2023, Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM đã phát thông báo truy tìm người có liên quan đến vụ án. Theo đó, cơ quan điều tra đang điều tra vụ án "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", do Nguyễn Ngô Bảo Chiêu (SN 2000, ngụ nhà số 51/18/15 Phạm Văn Chiêu, P14Q.Gò Vấp) cùng đồng phạm thực hiện, xảy ra trên địa bàn TPHCM.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM xác định Đinh Thùy Trang (SN 2002, ngụ thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) là chủ tài khoản số 19036696963016, mở tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có liên quan đến vụ án. Yêu cầu đương sự Đinh Thùy Trang đến Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM (địa chỉ số 459 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q1, TPHCM), gặp Điều tra viên Trương Cường Thịnh (Đội 8 - Phòng CSĐT - Công an TPHCM, điện thoại: 069.3187.244) để làm rõ vụ việc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang