Cân nhắc thêm các nhóm yếu thế khác được hưởng từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 08/04/2020 09:02

|

(CAO) Nhóm này bao gồm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi…, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, chống đỡ trong thời gian đại dịch còn diễn biến phức tạp.

Đảm bảo sự tương đồng

Sáng nay (8/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nêu quan điểm trước phiên họp này, Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội lưu ý Chính phủ cần dự kiến phương án, biện pháp, giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn nếu đại dịch Covid-19 kéo dài hơn so với thời gian dự kiến hỗ trợ để làm cơ sở cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định có tính tổng thể hơn.

Nhiều người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm do dịch bệnh

Nhất trí cao nguyên tắc “Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19”, song Thường trực UB băn khoăn việc có nên chia theo 2 mức hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ (1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng).

Lý do là mức chênh lệch trên khá lớn, mà nếu phân chia các mức sẽ phụ thuộc vào tiêu chí xác định có quan hệ lao động (tham gia đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…) và không có quan hệ lao động (lao động tự do, lao động khu vực phi chính thức) chứ không phải căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…

Thực tế, theo Thường trực UBCVĐXH, về cơ bản người lao động tự do, người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là những người lao động yếu thế, dễ bị tổn thương, thuộc một trong những nhóm bị tác động nặng nề nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do mới tham gia thị trường lao động hoặc làm công việc giản đơn, có thu nhập không ổn định… Nhóm này rất cần được bảo đảm mức sống tối thiểu không khác gì nhóm người lao động có quan hệ lao động khác.

Do đó, Thường trực UBCVĐXH đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc đề xuất mức hỗ trợ để có sự tương đồng trong thực hiện chính sách đối với người lao động, tương tự như hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo (hai nhóm này được hỗ trợ như nhau).

Đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (khoảng 1,315 triệu người) với các mức khác nhau, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải tất cả nhóm đối tượng này đều cần hỗ trợ mà cần cân nhắc kỹ lưỡng để có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với nhóm người có công còn nghèo, có nhiều khó khăn, mức hưởng trợ cấp đang còn thấp.

Vì lẽ trên, theo Thường trực UB, việc hỗ trợ đối với người có công với cách mạng cần nghiên cứu theo hướng: người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng nhưng không có lương hưu hoặc thu nhập nào khác và có tổng mức thu nhập (bao gồm cả mức trợ cấp thường xuyên thấp hơn mức lương cơ sở 1,6 triệu đồng/tháng)

Thường trực UB cũng cho rằng, đồng thời với việc đề xuất hỗ trợ tiền mặt đối với các nhóm đối tượng nêu trong Báo cáo, Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai các chính sách, biện pháp, các gói hỗ trợ khác nhau đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, để bảo đảm tính tổng thể, đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm đối với các nhóm đối tượng yếu thế khác nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu như các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi… để giúp họ ổn định cuộc sống, chống đỡ trong thời gian đại dịch còn diễn biến phức tạp.

Cần cân nhắc đến những đối tượng yếu thế khác

Phải tính tới dài hạn

Liên quan đến bảo đảm nguồn tài chính thực hiện các biện pháp hỗ trợ, việc đề xuất sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chưa nêu rõ là việc ngân sách Nhà nước vay từ Quỹ hay xin ứng trước. Do đó, Thường trực UB đề nghị Chính phủ giải trình rõ, đồng thời cụ thể hơn về phương án hoàn trả (chủ thể, thời hạn hoàn trả…).

Thời hạn thanh toán đối với việc người sử dụng lao động được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật lao động cũng chưa được Chính phủ làm rõ trong Báo cáo.

“Nhóm này có thể sẽ rất lớn, khi có tới 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ; 98% lao động ngành hàng không và 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giãn việc, nghỉ việc, ngừng việc hoặc mất việc làm” – Thường trực UB phân tích.

Việc hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động và dự kiến quy mô hỗ trợ khoảng 3 nghìn tỷ đồng, Thường trực Ủy ban nhận thấy, đề xuất này thực chất là việc giảm quy định về điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp, nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý cần thực hiện theo quy định pháp luật về việc làm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người sử dụng được hưởng chế độ này với mức hỗ trợ kinh phí tối đa 1 triệu đồng/người/tháng và có thể kéo dài không quá 6 tháng (Chính phủ chỉ đề xuất 3 tháng).

Về đề nghị “Cho phép người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng”, Thường trực UB cho rằng, Luật Việc làm không quy định nội dung này, do đó thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội. Vì vậy, để thực hiện chính sách này cần sửa đổi, bổ sung Luật chứ không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở các phân tích trên, Thường trực UB thống nhất các nguyên tắc, đề xuất gói hỗ trợ của Chính phủ và có thể triển khai thực hiện ngay, nhưng cần phải xác định rõ các loại đối tượng và đánh giá tác động thêm về hiện tại, trung hạn và dài hạn.

Cũng theo cơ quan này, bảo đảm nguyên tắc khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải tính tới dài hạn, ổn định vĩ mô và tính chủ động.

“Các quỹ này chính là một trong những điểm tựa vững chắc cho cả quốc gia trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, tình trạng khẩn cấp, nếu sử dụng ngay cho ngắn hạn mà không có phương án cho tình huống khó khăn hơn hiện nay sẽ gây khó khăn trong trường hợp đại dịch có thể kéo dài” - Thường trực UBCVĐXH lưu ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang