Tiếp chúng tôi tại căn phòng khách nhỏ nhưng ấm cúng, đại tá Dương Hữu Nam hào hứng kể về ngôi trường nơi ông gắn bó suốt thời gian dài ngay từ những ngày đầu thành lập. Người lính già nhắc nhiều về đồng nghiệp, học trò và những năm tháng cùng đội ngũ cán bộ chiến sĩ (CBCS), công nhân viên nhà trường làm việc hết mình để huấn luyện, đào tạo hàng ngàn thanh niên trở thành cán bộ Công an nhân dân (CAND) cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Nhiều người thuộc các thế hệ học trò từng học tập tại trường đã trưởng thành, giữ nhiều trọng trách trong lực lượng CAND các đơn vị, địa phương. Không ít người trong số họ đã lập thành tích vượt bậc, góp phần làm rạng danh nhà trường.
Đại tá Dương Hữu Nam say sưa nói về công việc, nhưng qua những câu chuyện ông tâm sự, chúng tôi nhận ra nhiều điều ở một người đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo lực lượng cho ngành Công an.
Sinh năm 1937 tại Long An, năm 1954 khi mới 17 tuổi, Dương Hữu Nam lên tàu tập kết ra Bắc và được cử đi Trung Quốc, Liên Xô học tập. Từ nước ngoài trở về, sau một thời gian công tác, ông quay lại chiến trường miền Nam. Trải qua nhiều tháng đi bộ vượt Trường Sơn, ông về công tác tại Bộ tư lệnh Miền. Sau 30-4-1975, theo sự phân công của tổ chức, ông bắt đầu quá trình hoạt động trong lĩnh vực mới: huấn luyện, đào tạo CBCS CAND, một trong những nhiệm vụ trọng yếu của những năm đầu tiếp quản thành phố.
Đại tá Dương Hữu Nam
Nơi ông có thời gian công tác khá dài là Trường Trung học ANND Công an TPHCM. Lâu nay, ngôi trường này vẫn được mọi người gọi một cách ngắn gọn là "Trường An ninh Linh Đông", vì đóng trên địa bàn xã Linh Đông, huyện Thủ Đức cũ. Tại ngôi trường này (khi mới thành lập năm 1977 được gọi là "Trường Hạ sĩ quan An ninh"). Ban đầu ông quản lý học viên, rồi phụ trách giáo vụ.
Sau đó, trường chính thức trở thành Trường Trung học ANND Công an TPHCM, thuộc hệ thống đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp, năm 1983 ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Đây là thời kỳ ông ghi dấu ấn của nhà quản lý giáo dục có tầm.
Những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước phải gồng mình vượt qua bao gian nan, thử thách, Trường Trung học ANND Công an TPHCM trong điều kiện chung của đất nước cũng chồng chất khó khăn. Ông cũng như nhiều cán bộ CAND từng công tác, học tập tại trường, khi gặp nhau bao giờ cũng bảo "những nhọc nhằn, gian khó của trường thì kể hoài không thể hết được"... Học viên từng học tại trường những năm đầu không ai có thể quên nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt, dù trường chỉ cách Nhà máy nước Thủ Đức khoảng hơn cây số đường chim bay.
Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, Hiệu trưởng Dương Hữu Nam đã cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường nỗ lực vượt qua, chẳng những "tồn tại" vững vàng mà còn không ngừng sáng tạo. Ba năm liền, trong kỳ thi học sinh giỏi các trường trung học ngành Công an, học viên Trường Trung học ANND Công an TPHCM luôn đạt hạng cao. Hiệu trưởng Dương Hữu Nam ngoài việc điều hành nhà trường, cũng từng trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Ông rất nghiêm khắc, kỹ lưỡng trong quá trình lên lớp.
Trường Trung học ANND Công an TPHCM tuyển sinh đào tạo các học viên vừa xong cấp III phổ thông (bây giờ gọi là trung học phổ thông), nhưng cũng chịu trách nhiệm đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đang công tác. Một số học viên tại chức là đảng viên, có người từng kinh qua chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thường không tuân thủ giờ giấc nghiêm ngặt của trường.
Hiệu trưởng Dương Hữu Nam không dùng lời lẽ đao to búa lớn mà chỉ đạo triển khai các biện pháp tổ chức cán bộ vừa mềm mỏng vừa chặt chẽ, hợp cả lý lẫn tình. Nhờ vậy, những học viên này thay đổi hẳn thái độ, nghiêm túc chấp hành nội quy của trường.
Nghiêm khắc nhưng tình cảm, ông Dương Hữu Nam được nhiều thế hệ học viên cũng như đồng nghiệp mến phục. Gắn bó với trường đến năm 1986, ông về Công an TPHCM công tác rồi nghỉ hưu. Ở tuổi 84, mấy lần bệnh thập tử nhất sinh, chuyện nhớ, chuyện quên nhưng những kỷ niệm trong thời gian công tác tại Trường Trung học ANND Công an TPHCM luôn được đại tá Dương Hữu Nam nhớ như in. Ông nhớ tên từng đồng nghiệp, từng học trò cưng có thành tích học tập xuất sắc. Nhắc tới ngày truyền thống của trường 15-11 hàng năm, ông bảo: "Cứ yên tâm, còn đi được là chú còn về dự".
Chào ông ra về, chúng tôi mong ông thật khỏe để còn dự không chỉ lần họp mặt năm nay, mà còn những lần họp mặt sau nữa, bởi với các thế hệ học viên Trường An ninh Linh Đông, ông không chỉ là người thầy mà còn như người cha, người chú được kính trọng, yêu mến.