Đối tượng tham nhũng bỏ trốn gây khó cho cơ quan điều tra

Thứ Hai, 26/10/2020 09:27

|

(CAO) Khẳng định không “chững lại”, không “chùng xuống”, song Chính phủ nhìn nhận tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện.

12 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý hình sự

Báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong phiên họp sáng nay (26/10), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2020 đã có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong số này có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.

Bình Thuận là địa phương có số lượng người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật nhiều nhất (23 người). Ở các cơ quan Trung ương, 2 Bộ Tài chính và Xây dựng đứng đầu danh sách, mỗi bộ có 4 người bị xử lý kỷ luật.

Tổng Thanh tra Chínhh phủ Lê Minh Khái

Để phục vụ điều tra, ông Khái thông tin, cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trường hợp cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến… được ông Khái đưa ra làm dẫn chứng.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao. Nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung đã thi hành xong hơn 3.600 việc (đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), số tiền thu được hơn 15.017 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành).

Còn với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, theo ông Khái, hiện thi hành xong 15 vụ việc, 43 vụ đang tổ chức thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.539 tỷ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỷ đồng. Số còn phải thi hành là hơn 55.278 tỷ đồng.

Có tình trạng tham nhũng ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn những hạn chế nhất định. Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...” - cơ quan thẩm tra chỉ ra.

Đáng chú ý, Uỷ ban Tư pháp nhận định, “số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng”.

Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít…

“Vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận” – Uỷ ban Tư pháp nêu, đồng thời dẫn vụ bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam...

Cho rằng tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, Uỷ ban Tư pháp nhắc nhở đây là những vấn đề cần được Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Được biết, năm 2020 cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã thụ lý điều tra 50 vụ/36 bị can, trong đó có 25 vụ/26 bị can về tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang