Lần theo những điều "không tin nổi"
Josephine Stenson, một GS-TS nổi tiếng của Trường đại học Florida Atlantic, bang Florid (Hoa Kỳ). Bà là một nhà sử học có những công trình nghiên cứu thực tế về các vĩ nhân trên thế giới, dựa trên nguyên tắc khoa học thuần túy. Đối với Josephine Stenson, sự thật chỉ là sự thật và không thể đánh tráo sự thật bằng những lời đồn thổi. Chính vì thế, những công trình nghiên cứu sử học về các vĩ nhân của bà luôn được sự tin tưởng của giới sử học nước Mỹ.
Vì sao nhà sử học này lại bén duyên với công trình nghiên cứu về Hồ Chủ tịch đáng kính của chúng ta? Với Josephine Stenson, đơn giản công trình này xuất phát từ chính sự nghi hoặc về nhân cách quá vĩ đại của một con người mà theo bà, trên thế giới này khó một ai làm được! Là nhà khoa học, lại ở một đất nước có chế độ chính trị khác với Việt Nam, nên bà giáo sư không dễ tin vào những điều mà chúng ta đã thông tin, dù thời điểm đó thế giới đã thừa nhận Bác là danh nhân văn hóa thế kỷ!
Vậy nên, bà quyết tâm đi tìm hiểu về Bác một cách căn cơ. Bà bộc bạch: "Hồ Chí Minh là người mà tôi dành nhiều thời gian nhất trong đời nghiên cứu lịch sử của tôi để tìm hiểu được đích thực tính cách của ông. Tôi đã bỏ tiền túi ra để đi từ Mỹ sang Pháp và Liên Xô cũ. Những nơi mà Hồ Chí Minh đã đặt chân tới đó, để tìm những di tích gốc Hồ Chí Minh". Sau nhiều năm nghiên cứu, trích lục, sưu tầm những câu chuyện có thật về Bác, Josephine Stenson đã có được lời giải chuẩn xác cho bản thân và có thể nói là cho lịch sử thế giới.
Tháng 5-1990, trong cuộc Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, chính nhà sử học Josephine Stenson đã có những phát biểu rất chân thật và xúc động về hành trình cứu nước của Bác. Mãi đến tháng 3-2021, Tạp chí HV ra số 156 mới đăng lại bài phát biểu của bà Josephine Stenson với tựa đề: "Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại". Và đây cũng chính là bài phát biểu của bà ở ở Hà Nội năm nào. Khi đó, Tạp chí HV đã có lời nhận xét: "Một bài tham luận rất hay, có nhiều điểm mới mẻ, đặc biệt, cho thấy một cái nhìn khác, một quan điểm mới mẻ thông thoáng, với một góc nhìn từ người nước ngoài, một phụ nữ, một trí thức Hoa Kỳ”. Vậy bà Josephine Stenson đã nói gì về Hồ Chí Minh?
Đầu tiên, nói về những công việc mà Bác đã kinh qua khi bôn ba ở nước ngoài, nhà sử học có phản biện rất xác thực, rằng thông tin Hồ Chí Minh làm phu khuân vác ở Bến Nhà Rồng, bồi bàn dưới tàu Pháp, bồi bếp ở khách sạn Luân Đôn và làm thợ nhiếp ảnh, chỉ toàn là những lao động cơ bắp, không thấy trí tuệ là chưa toát hết bản chất!
"Tôi không cho những dẫn chứng đó là sai nhưng qua nghiên cứu, tôi thấy chúng ta phải hiểu rằng, mục đích của Bác chọn nghề và những nơi làm việc như vậy là để có điều kiện đi đến được nhiều quốc gia, tiếp xúc được với nhiều chính khách, từ đó có cơ hội cứu nước, chứ làm đủ nghề để kiếm sống là không đúng! Tôi đã đến Luân Đôn tìm hiểu và thấy Nguyễn Ái Quốc kết thân với một số nhà đại văn hào, các nghệ sĩ danh tiếng như Romans, Darwin, vua hề Charlie Chaplin..." - bà Josephine Stenson tiết lộ. Thêm một thông tin thú vị khác, bà Josephine Stenson cho biết, người ta đồn rằng cụ Hồ biết 28 thứ tiếng, nhưng nhà sử học này tìm hiểu, có cơ sở xác tín thì Bác biết khá sành sỏi 12 thứ tiếng, tức nghĩa là giao tiếp, viết lách thành thạo 12 thứ tiếng này chứ không phải biết theo kiểu qua loa!
Việt Nam đẹp nhất tên Người
Sau thời gian kỳ công nghiên cứu, quyết tâm bằng mọi giá tìm hiểu được hành trình cứu nước của Bác thì cuối cùng, nhà sử học lão làng này cũng phải ngả mũ công nhận: "Tôi xin dâng tặng những lời ca đẹp nhất về Hồ Chí Minh, sau khi tôi đã đi đến những nơi có dấu chân ông đi qua, gặp lại những người đã biết về ông. Tôi ngưỡng mộ ông bằng cả đầu óc khoa học của tôi, đồng thời bằng cả trái tim của một người con gái hậu thế".
Rất bất ngờ, khi nói về "tình sử" của Bác thời còn bôn ba xứ người, Josephine Stenson không hề giấu giếm sự kính phục. Bà còn chứng minh rằng, thời của Bác có rất nhiều "bóng hồng" muốn được đi cùng Bác đến trọn đời.
Nhà sử học Josephine Stenson - người ngoại quốc đi tìm hành trình cứu nước của Bác
Theo bà Josephine Stenson, nếu nói Nguyễn Ái Quốc lấy vợ thì phải để lại địa chỉ, phải có con. Nếu thế thì đường nào mật thám cũng phát hiện ra và đương nhiên, một con người thông minh, có lý tưởng như Bác thì không thể nào để sơ hở như thế! Để trả lời câu hỏi "trong suốt cuộc đời hoạt động của mình Bác Hồ có vợ hay không?" (như những kẻ có mưu đồ đen tối chuyên đi xuyên tạc sự thật vẫn muốn "gán vợ" cho Bác), bà giáo sư đã lấy dẫn chứng từ bài đăng trên tạp chí Lịch sử quân sự Hoa Kỳ của một sĩ quan trong quân đội đồng minh đóng ở Cao Bằng. Viên sĩ quan này lúc đó sống cạnh Bác nên đã hỏi một cách chân tình với Bác, được Bác thẳng thắn trả lời: "Khi còn trẻ phải đi hoạt động cách mạng, khi giành được độc lập thì đã già, nên không dám tính chuyện đó”. Với nhân chứng xác thực đó, bà Josephine Stenson đã có câu trả lời chuẩn xác cho cuộc nghiên cứu kỳ công của mình!
Cảm động về cuộc đời trong sáng của Người, bà Stenson bộc bạch: "Hồ Chí Minh nói đi đôi với làm. Tôi đã vào nhà của ông. Lục tìm của riêng của ông. Ông không có của riêng. Thật lạ và hiếm thấy! Chính khách nào khi cầm quyền đều ban hành sắc lệnh tôn trọng và bình đẳng cho phụ nữ nhưng khi sắc lệnh ký xong thì bản thân họ lại... cho phép phát triển kỹ nghệ "đàn bà”. Duy nhất chỉ có Hồ Chí Minh, xuyên suốt quá trình tìm đường cứu nước đến thời khắc đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, rồi khi làm Chủ tịch nước và lúc qua đời, trên giường ông vẫn vắng hơi ấm đàn bà”.
Từ sự cảm phục nhân cách của Người, bà Josephine Stenson đi đến kết luận, Bác xứng đáng là một người Cộng sản vĩ đại. "Dân tộc Việt Nam nên mãi mãi tự hào về Hồ Chí Minh, văn minh nhân loại của thế kỷ 20 này luôn tự hào có một vĩ nhân được cả thế giới phong tặng Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất"! - nhà sử học Josephine Stenson đánh giá.
Việt Nam, đẹp nhất tên Người là thế! Chúng ta mãi tự hào về nhân cách vĩ đại của Bác, bởi sự thật đã được tái hiện rất chi tiết, với đầy đủ tính xác thực từ chính lời kể của những người ngoài cuộc!