Những ngày tháng Ba lịch sử, muôn triệu trái tim Việt Nam lại hướng về Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, thành kính tri ân những người con anh dũng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biển đảo của đất nước.
Tàu HQ-604 - con tàu bị địch bắn chìm trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma, ngày 14/3/1988.
Sự kiện ngày 14/3/1988, gắn với những địa danh Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, đã trở thành bất tử trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là nơi tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào bình minh ngày này 33 năm trước.
Điểm nhấn Khu tưởng niệm có chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời" với biểu tượng "Vòng tròn bất tử" của các chiến sỹ Gạc Ma. Không chỉ là nơi để người dân đến tham quan, thắp hương tưởng niệm, “địa chỉ đỏ” này còn góp phần nhắc nhở, giáo dục các thế hệ mai sau về sự kiện lịch sử đau thương mà anh dũng.
Dâng hương trước Bia tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Kể từ ngày khánh thành và chính thức hoạt động vào tháng 7/2017 đến nay, Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đã đón hơn 2.350 đoàn với hơn 219.000 lượt người đến viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Nhiều đơn vị, đoàn thể, trường học đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử… tại Khu tưởng niệm. Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma cũng bố trí tổ công tác làm nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn đến tham quan.
Nơi vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, chùa Sinh Tồn ở đảo Sinh Tồn bình yên nằm kề bên bờ sóng. Chùa Sinh Tồn là nơi đặt tấm bia phương danh 64 người con đất Việt đã hòa mình vào sóng nước trùng dương hồi 33 năm trước.
Bà Hà Thị Liên (quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), mẹ liệt sỹ Đào Kim Cương, trước di ảnh con trai ở khu lưu niệm di vật liệt sỹ Gạc Ma trong Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma (Khánh Hòa).
Những ngày tháng Ba này, rất đông cán bộ, chiến sỹ, người dân thị trấn Trường Sa và ngư dân khai thác hải sản quanh đảo đến thắp hương, khấn vọng hương linh các anh. Còn nhà chùa thì ngày này hằng năm đều làm cơm chay, xếp hương, hoa tại bia phương danh để cầu siêu cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ.
Nhân dân trên đảo Sinh Tồn, ngoài ngày 14/3, những ngày Rằm, ngày Mồng 1 hằng tháng và ngày lễ, Tết đều đến chùa Sinh Tồn dâng nén nhang thơm, cầu mong các anh được yên nghỉ, phù hộ cho quân dân trên đảo bình an, đất nước hòa bình, phát triển.
Ngày này, mỗi người dân Việt Nam đều thành kính tri ân, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa” với những người con đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Sự tri ân đó thể hiện trong những hoạt động sâu rộng, thiết thực và ý nghĩa, như chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa," do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ nhiều năm qua. Chương trình đã liên tiếp vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân cả nước và cả kiều bào ta ở nước ngoài chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các liệt sỹ.
Đến thời điểm này, tất cả thân nhân 64 liệt sỹ Gạc Ma, những cựu binh Gạc Ma đã được hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp đỡ xây dựng từng căn nhà, xin việc làm cho con em liệt sỹ, đến việc thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình khó khăn.
Những hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa trước sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân Việt Nam xuất phát từ tiếng gọi sâu thẳm, thiêng liêng bởi hai từ Tổ quốc; là sự chung sức, đồng lòng của muôn triệu người dân Việt Nam vì chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ, cương vực bất khả xâm phạm của Tổ quốc; là ý chí quật cường, truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất từ hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thổn thức từ trùng xa vọng về “tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá" là nỗi niềm khôn xiết “một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau."
Đại úy Nguyễn Văn Lanh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, kể lại trận chiến đấu anh dũng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở đá Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Cũng tháng Ba những ngày này, cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên các đảo, đá, nhà giàn giữa trùng khơi của Tổ quốc đang vững vàng tiếp bước thế hệ cha anh đi trước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Câu nói “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” của Anh hùng liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma hồi 33 năm trước đã góp phần khơi dậy tinh thần, khí phách, tư thế của chiến sỹ Hải quân Việt Nam.
Mỗi cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam đều không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió," đêm ngày tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Các anh đang ra sức học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống, nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”...
Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm đã “ủi bãi” thành công lên đảo Cô Lin sau khi bị tàu địch bắn cháy, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ-505 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Một số cán bộ chiến sỹ tàu HQ-605 điều trị tại Bệnh viện Quân y 87 Nha Trang, sau cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc tại Gạc Ma, ngày 14/3/1988.
Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988 tổ chức lễ tưởng niệm 31 năm ngày 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma (14/3/2019). (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Trong hải trình ra Trường Sa qua vùng biển đảo Cô Lin-Gạc Ma năm 2012, cán bộ chiến sỹ đoàn công tác trên tàu HQ 571 tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sa hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Thế hệ trẻ tỉnh Quảng Bình dâng hương tri ân 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận Gạc Ma. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)
Lễ khánh thành Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, ngày 15/7/2017, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) nhằm ghi công và tri ân 64 chiến sỹ hải quân nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở đá Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Người dân và du khách tham quan Bảo tàng ngầm - nơi lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và thân nhân của 64 chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma năm xưa, tại Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Những đồng đội trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma xúc động gặp lại nhau tại buổi gặp mặt các cựu binh Trường Sa, nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)