Hôm nay 24-11, khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thứ Tư, 24/11/2021 09:50

|

(CATP) Hôm nay 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được khai mạc tại Hà Nội, với hơn 600 đại biểu tham dự. Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; từ đó đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

"Sức mạnh mềm" của văn hóa

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Vì vậy, hội nghị sẽ trở thành động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Cách đây 75 năm, ngày 24-11-1946, phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Nhà hát Lớn, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (Việt Bắc - 1948) đã thể hiện sự phát triển đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng được khởi xướng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, với ba nguyên tắc có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Trên Tạp chí Tiên phong số 1, toàn văn Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 chỉ khoảng 1.500 chữ do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo. Súc tích trong khoảng 1.500 chữ nhưng văn kiện này thể hiện khá đầy đủ quan điểm của Đảng về vị trí của văn hóa đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trước cách mạng, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ ít nhiều cảm thấy bế tắc trong sáng tạo, nhưng khi bắt gặp tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam, họ đã theo kháng chiến và thay đổi tư tưởng sáng tạo vì phụng sự nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các học sinh Trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956

Những quan điểm của Đảng về văn hóa tiếp tục kế thừa, bổ sung trong các văn kiện, nghị quyết mang tính định hướng để văn hóa thực sự vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

Năm 1998, trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", lần đầu tiên Đảng khẳng định "Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển".

Lần đầu tiên, khái niệm "sức mạnh mềm" được nêu ra trong văn kiện của Đảng tại Đại hội XIII: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Hun đúc từ lịch sử ngàn năm của dân tộc, lòng yêu nước, yêu hòa bình, đoàn kết, nhân ái, ý chí tự cường và khát vọng cống hiến, nền tảng tinh thần tốt đẹp ấy đã trở thành sức mạnh dân tộc, đưa đất nước vượt qua bao gian nan thử thách. Và ở những năm đầu thế kỷ XXI, ở thời đại công nghiệp 4.0. những giá trị tinh thần ấy đang được tiếp nối, phát huy trong thời đại mới, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Khơi dậy khát vọng của toàn dân

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, do vậy "được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...".

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa... "Chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém như thế nào".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua hội nghị, các cơ quan sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn với yêu cầu đặt ra là "xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường... Chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân".

Ông cũng nhấn mạnh, sau hội nghị, "chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước".

Hội nghị sẽ dành thời gian để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ chiến lược này đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa.

Chấn hưng văn hóa

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là dịp nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam mấy chục năm nay từ cột mốc lịch sử vào năm 1943 sau khi Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo, ra đời.

Theo ông Dương Trung Quốc, nhìn lại chặng đường mấy chục năm qua, lấy ví dụ cụ thể ở đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đã cho thấy nhiều mặt tích cực và tiêu cực, điểm mạnh và điểm yếu của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa đồng bào thể hiện rất rõ trong lúc khó khăn, thì vẫn còn đó những sai phạm, tiêu cực.

"Văn hóa được đề cập trong hầu hết văn bản quan trọng, với vai trò là nền tảng, là trung tâm, ngang bằng với kinh tế - chính trị. Nhưng làm thế nào để văn hóa đi vào đời sống là bài toán khó”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

Theo ông, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề về văn hóa đã bộc lộ nhưng chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Vì vậy, ông mong muốn các đại biểu sẽ dành thời gian để phân tích, đi sâu vào các vấn đề thay vì "chỉ nói đến thành tựu". Ông dẫn chứng, "văn hóa Việt Nam hiện nay đang bị xơ cứng, mất tính sáng tạo, nhiều năm liên tục vắng bóng tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn"...

Về kỳ vọng "chấn hưng văn hóa", ông Dương Trung Quốc nói văn hóa đang rất cần được chấn hưng bởi nó đang sa sút; ai cũng nhìn thấy những thành tựu đáng ghi nhận về chính trị, kinh tế nhưng thành tựu trong văn hóa thì ít; và mong muốn phải làm sao để đưa dân chủ vào trong văn hóa, phát huy tính sáng tạo của các nghệ sĩ”. Ông Quốc kỳ vọng hội nghị sẽ đưa ra những quan điểm lớn để tiếp tục "mở đường cho văn hóa".

Thực tế, trải qua 35 năm đổi mới, bên cạnh những thành công, chúng ta thấy rằng trong lĩnh vực văn hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế phải tháo gỡ, chấn chỉnh lại đội ngũ, khắc phục những yếu kém để tiến lên phía trước. Muốn vậy, cần tập trung huy động mọi sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết dân tộc, mọi nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là mục tiêu của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 hướng tới.

Kế thừa và phát triển tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh

Trên tinh thần kế thừa luận điểm, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", phát triển đường lối văn hóa của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết này đưa ra "phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa" nhằm "làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội...", coi văn hóa là nền tảng của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Nghị quyết Trung ương 5 đã đặt đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong những nhân tố của phát triển, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Nghị quyết này mang tầm của một Cương lĩnh văn hóa trong thời kỳ Đổi mới của Đảng. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Cũng trên cơ sở kế thừa tinh thần, tư tưởng và những thành tựu đó, một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là đã xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực, trong đó: Xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục đào tạo; đẩy mạnh và thúc đẩy, đa dạng hóa các loại hình và hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam... Đây là định hướng quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang