Không quân sự hoá, không dùng vũ lực, giải quyết hoà bình ở Biển Đông

Thứ Ba, 15/10/2019 20:05

|

(CAO) Ngày 15-10-2019, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 diễn ra tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các Ban, Vụ liên quan thuộc 9 nước: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines và Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Đại diện phái đoàn các nước ASEANt tại Hội nghị.

Trước đó, trong các ngày 13 và 14-10 đã diễn ra cuộc họp lần thứ 30 Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện DOC. Đây là các hội nghị giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm kiểm điểm tình hình Biển Đông, thực hiện DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại các hội nghị, vấn đề Biển Đông được đưa ra trao đổi, thảo luận về những diễn biến phức tạp trên thực địa, đặc biệt là các vụ việc đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Các nước bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng hiện nay nếu tiếp tục để kéo dài sẽ rất nguy hiểm, gia tăng nguy cơ va chạm và tính toán sai lầm, đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định khu vực.

Theo đó, các nước ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hoá, không có các hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982.

Về thực hiện DOC, Hội nghị nhất trí cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trong đó cần ưu tiên triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác xử lý những thách thức chung như bảo vệ môi trường biển, đối xử nhân đạo với ngư dân.

Về đàm phán COC, các nước nhất trí cần duy trì đà tiến triển đã đạt được, khẳng định cần gia tăng nỗ lực để xây dựng một Bộ quy tắc thực sự hiệu quả, thực chất, có thể ngăn ngừa xảy ra những vụ việc phức tạp như hiện nay. Để làm được điều này, Hội nghị nhất trí cần chuẩn bị kỹ cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được những kết quả cụ thể, thực chất; theo đó các nước đã trao đổi về những cách làm mới để áp dụng cho vòng đàm phán tới.

Phát biểu tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã làm rõ về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng, nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đoàn Việt Nam nhấn mạnh hành vi vi phạm của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hoà bình và an ninh ở khu vực, và không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

Khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC, đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh tình hình hiện nay càng cho thấy tính cấp thiết của việc có Bộ Quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế (UNCLOS) 1982, giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai.

Đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có việc tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vai trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán.

Đại diện phái đoàn Trung Quốc đánh giá phiên họp lần này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Do đó, tăng cường tin cậy lẫn nhau, kiềm chế và tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc SOM - DOC và phấn đấu sớm đạt được COC thực chất.

Quang cảnh Hội nghị

Biển Đông là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan, qua 9 nước - nêu trên.

Biển Đông lớn thứ tư thế giới (sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập). Là một quốc gia ven biển, Việt Nam nằm ở phía Tây của Biển Đông với trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều khu vực bờ biển, cũng như các đảo ở nước ta có vị trí địa lý rất trọng yếu đối với phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Các nước liên quan có lợi ích ở các mức độ khác nhau trong việc sử dụng vùng biển này theo các quy định của Luật biển Quốc tế. Từ khoảng năm 1970 thế kỷ XX đến nay, vùng biển này và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa nhiều quốc gia trong khu vực.

Trước tình hình đó, ASEAN thông qua Tuyên bố về Biển Đông kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế không làm căng thẳng tình hình; khuyến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á để làm cơ sở xây dựng COC.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Đó là quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại UNCLOS bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp Quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang