"Đoạn trường" kinh tế tư nhân:

Kỳ 2: Những chiếc xe... "chạy lùi"

Thứ Sáu, 25/04/2025 09:17

|

(CATP) Với thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên sau thời kỳ đổi mới (bắt đầu từ cuối 1986) sẽ không hiểu được đời sống cùng cực của "thời bao cấp", mà lúc đó trên sách - báo, khẩu hiệu tuyên truyền được gọi là "thời kỳ quá độ”, với "đặc sản" là "thắt lưng buộc bụng" để chống lại cái nghèo, cái đói triền miên, tưởng chừng vô tận! Nhắc lại chuyện này không phải để "ôn nghèo, kể khổ", mà để trân quý những thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất; để biết ơn các thế hệ lãnh đạo đã dũng cảm, vắt óc tìm con đường len lỏi giữa muôn vàn chông gai, đưa đất nước thoát khỏi bế tắc, khủng hoảng!

Nỗi ám ảnh trên những chuyến xe

Hình ảnh những xe khách, xe tải và xe du lịch 4 chỗ chạy bằng xăng, dầu mang các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, Châu Âu như: Desoto, Dodge (Mỹ), Renault (Pháp), Land Rover (Anh), Daihatsu (Nhật)... Ở Miền Nam, sau 1975 đã được độ chế thành những chiếc xe chạy bằng than, chắc chắn là điều khó quên với những ai từng là hành khách của nó. Chúng tôi gọi đó là những chiếc "xe chạy lùi", không với nghĩa là cài số "ze" (số lùi - Reverse) mà là "lùi" với ý nghĩa đi ngược sự tiến bộ.

Người Việt vốn tháo vát, thông minh và đầy ý chí vượt khó, nên khi chiến tranh kết thúc, bị Mỹ bao vây cấm vận, xăng dầu khan hiếm, họ đã cải tiến những chiếc xe "tư bản" chạy bằng xăng, dầu sang chạy than. Mỗi chiếc xe chở khách hay chở hàng đều được độ thêm một bình đốt to tướng, nặng đến mấy trăm ký treo phía sau xe. Các loại chất đốt như than, củi, mùn cưa... sẽ được dồn vào bình, đốt cháy rực để sinh ra nhiệt vận hành động cơ xe. Loại xe "độ” này yếu hơn xe nguyên bản rất nhiều, vận tốc tối đa cũng chỉ 25 - 30 km/giờ. Lúc lên dốc thì hụt hơi, cà giựt, rồi... chạy lùi theo quán tính, nên lơ xe phải nhảy xuống cầm sẵn hai cục chêm bằng gỗ để chèn vào bánh cho xe khỏi tuột dốc. Chúng tôi từng đi một chiếc xe như vậy từ H.Đức Trọng, Lâm Đồng về đến Bến xe Miền Đông, TPHCM. Mất 2 ngày 1 đêm cho đoạn đường khoảng 250 cây số. Xe chạy chậm, hay hư hỏng một phần.

Phần tốn thời gian nhiều hơn là cứ vài cây số trên Quốc lộ 20 lại có một trạm liên ngành. Tất cả các xe (kể cả xe máy 2 bánh) đến trạm đều phải dừng để kiểm tra, lục soát có "hàng cấm" không? Vài ký bắp, gạo, đậu phộng, đậu xanh... hay bịch xà bông bột, ký cá khô, vài đôi dép nhựa, túm bột ngọt, vài mét vải... đều là "hàng cấm"; đều sẽ bị tịch thu. Năm 1985, tôi mang 3kg cà phê nhân trồng ở nhà với hy vọng về Sài Gòn sẽ bán chợ đen được giá cao gấp đôi giá cửa hàng quốc doanh mua vào, để có thêm ít tiền hỗ trợ việc học. Đi đến trạm Madagui thì bị thuế vụ, quản lý thị trường khám xét túi xách tịch thu. Tôi đưa thẻ sinh viên ra năn nỉ thì mấy ông đó lạnh lùng bảo "muốn chúng tôi gửi thông báo về trường đuổi học cậu không!". Tôi phải về Sài Gòn mà không còn một xu dính túi, phải bán xe đạp để có tiền trang trải.

Ảnh minh họa về một trạm kiểm soát trên tuyến quốc lộ

Trên những chiếc xe "đi lùi" đó chẳng khác nào "phòng tra tấn" với băng 3 ghế thì bị ép cho 4 người ngồi. Dưới chân và dãy kệ trên đầu chất đầy hàng hóa, heo, gà, chó, vịt, mèo... Hành khách cứ phải co ro trong tư thế như bị nhốt trong chum, vại. Trời nóng bức, chật chội, lại thêm cái bình than cháy đỏ rực phả hơi nóng vào xe nên càng ngột ngạt. Mùi chất thải của gia cầm, thú vật bốc lên tanh tưởi, hôi hám cùng mùi mồ hôi người có cả mùi trầu của các bà cụ, mùi dầu gió, mùi... "hữu cơ” trộn vào khói bụi (vì xe phải mở toang các cửa sổ cho bớt ngộp) tạo ra sự đày đọa, làm các chuyến đi xa thành ám ảnh hãi hùng của thời "quá độ” mà nhân dân chế nhạo thành "quá tệ!".

Đó là chưa kể để có được tấm vé bước lên xe khách, cán bộ, CNV, sinh viên thời đó phải ra Bến xe Miền Đông, Miền Tây hoặc ga xe lửa Hòa Hưng thuê một chiếc chiếu dơ bẩn, hôi hám để nằm chờ từ lúc chiều. Rồi 3 giờ sáng, chủ đi thu chiếu lại để mọi người đứng lên xếp thành hàng dài chờ mua vé. Nhiều lần, chờ đợi từ 3 - 6 giờ mới đến được cửa bán vé thì cô nhân viên sập tấm bảng "Hết vé” xuống. Lại phải sống lây lất, vạ vật trên manh chiếu thuê chờ hôm sau bắt đầu "quy trình" xếp hàng mua vé tiếp trong môi trường ồn ào, phức tạp với đủ thành phần móc túi, gái điếm, lừa đảo, trộm cắp vây quanh!

Cũng vì KTTN bị cấm mà từ thành thị đến nông thôn đồng loạt xuất hiện "chợ đen". Tất cả hàng hóa đem ra "chợ đen" đều cao hơn giá Nhà nước quy định đến vài lần, thậm chí cả chục lần. "Chợ đen" ở vỉa hè các trung tâm thương mại thì mua bán vàng, đôla... Còn quần Jean, sôcôla, dầu xanh thì đầy rẫy ở "chợ đen" sau lưng Bưu điện TPHCM và những nơi phát quà Việt kiều gửi về cho thân nhân trong nước. "Chợ đen" nông thôn thì mua từng con gà, vịt, từng ký đậu, gạo, khoai, bắp... Những buổi không phải đến trường hay thư viện, sinh viên chúng tôi thường ra nhà hát TPHCM hoặc rạp Rex ở Quận 1 để xếp hàng mua vé xem ca nhạc, xem phim... Mua được cặp vé thì ra "chợ đen" ngay trước phòng vé đã có người mua lại với giá gấp đôi, gấp ba để kiếm thêm tiền trang trải việc học. Thời bao cấp cũng có cái hay là sinh viên đại học thì được Nhà nước nuôi 100% và cũng có phụ cấp, thuốc lá, xà bông, kem đánh răng hàng tháng như cán bộ, CNV...

Khi kinh tế tư nhân phục hồi

Ngay sau khi Nghị quyết Đại hội VI của Đảng được ban hành, kinh tế tư nhân (KTTN) như một khối nén lâu ngày với âm ỉ bức xúc được giải phóng. Lập tức cả xã hội rùng rùng chuyển động rồi tăng tốc ồ ạt, nhất là khi có thêm các quy định về doanh nghiệp tư nhân thu hút đầu tư nước ngoài!

Chiếc xe chở khách được chế thêm bình đốt treo phía sau

Điều thể hiện nhanh nhất, rõ nhất là chỉ trong vòng hai năm 1986 - 1988; trên các quốc lộ, các tỉnh lộ, huyện lộ... đều mất sạch bóng dáng những chiếc xe "đi lùi" chạy bằng than. Thay vào đó là từng đoàn ôtô các loại đời mới nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước XHCN về, rất hào nhoáng, hiện đại rầm rập ngày đêm. Những chuyến đi xa của chúng tôi không còn vất vả, nghẹt thở, tốn thời gian trên những chiếc xe than "kéo lùi lịch sử" hơn trăm năm về thời đại "máy hơi nước". Các chuyến công tác bằng ôtô cơ quan phải chở thêm mấy can 20 lít xăng sau cốp xe rất nguy hiểm với họa cháy nổ cũng không còn (các cây xăng dọc đường thời bao cấp chỉ bán theo phân phối, không bán cho khách vãng lai dù là cán bộ đi công tác bằng xe cơ quan Nhà nước)...

Với hàng triệu hành khách thì những chiếc Karosa (sản phẩm của các nước XHCN tiên tiến ở Đông Âu) hay FuSo, Toyota, HiNo... nhập khẩu Nhật Bản về với 52 ghế rộng rãi êm ái, nội thất sang trọng với kính bốn bề để ngắm cảnh và dàn loa cực chuẩn nghe nhạc, làm hành trình dễ chịu hơn rất nhiều. Còn với xe tải thì các thương hiệu CNXH lấn át với các dòng xe đời mới vừa to lớn, mạnh mẽ, vừa hiện đại... rầm rập vận chuyển hàng hóa khắp các vùng miền, kích thích sản xuất, tiêu dùng, như: xe Kamaz, xe "Bò ma" (Maz-500)... do Liên Xô sản xuất, xe tải hạng trung IFA của Đông Đức hoặc các dòng xe tải "khổng lồ" như: Mitsubishi, HiNo... nhập khẩu từ Nhật về. Các tài xế ngồi trên ghế lái của các dòng xe đời mới này vừa rất oai phong, hoành tráng lại vừa kiếm được nhiều tiền nên thời đó mới có câu: "Kỹ sư, bác sĩ em chê - Bò ma, Kamaz em... mê đến già!".

KTTN vốn đã có sẵn trong xã hội Việt Nam nói chung, miền Nam nói riêng và từng tạo ra những thương hiệu hàng Việt lẫy lừng như: kem Tràng Tiền, lụa Hà Đông, gốm sứ Bát Tràng... (ở miền Bắc) cũng như: xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, bông gòn Bạch Tuyết, nước khoáng Vĩnh Hảo, Mỹ phẩm Thorakao... (ở miền Nam). Khi "quốc doanh hóa", chúng dần hồi bị tiêu điều, lụn bại trong thời bao cấp và được phục hồi sau thời đổi mới. KTTN được "hồi sinh" đã tạo ra sức bật mạnh mẽ, với mức tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới.
 

Các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam cũng bắt đầu khởi nghiệp từ giai đoạn những năm đầu đổi mới với việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất qua các nước Liên Xô - Đông Âu và mon men đến vài thị trường tư bản trong những năm đầu đổi mới. Đến lúc CNXH Đông Âu - Liên Xô sụp đổ dây chuyền từ 1989 - 1991 và chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (tháng 11/1991) thì Việt Nam đã có cơ hội tốt để chuyển hướng làm ăn với thế giới tư bản qua các Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 (được sửa đổi, bổ sung thêm vào các năm 1990 - 1992). Tiếp đó là tham gia một số hoạt động khối ASEAN (từ 7/1992 và chính thức gia nhập ngày 28/7/1995). Cột mốc quan trọng nhất là Mỹ tuyên bố xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào ngày 11/7/1995.

"Chân dung" của những chuyến xe liên tỉnh thời bao cấp với hàng hóa tràn ngập

Từ đây, Việt Nam hội nhập, phát triển với các quan hệ kinh tế quốc tế. Chúng ta làm được điều đó vì đã chủ động chuyển dần từng bước để đưa nền kinh tế Việt Nam vào "kinh tế thị trường định hướng XHCN" bỏ dần tính chỉ huy, bao cấp của kinh tế thời chiến. Đó cũng là thời kỳ thanh toán dần tàn dư của chế độ phân phối theo tem phiếu đã quá lạc hậu, gây bất công, bất ổn cho xã hội! Đến nay, khi chuẩn bị tổ chức đại lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cả dân tộc ta có thể tự hào về những thành tựu xây dựng, bảo vệ đất nước từ sau 30/4/1975 đến nay. Đó là: "Nền kinh tế Việt Nam từ quy mô 4 tỷ USD trước đổi mới, đến năm 2024 đã tăng lên hơn 108 lần, đạt mức 433 tỷ USD, đứng hạng 34 thế giới. Thu nhập bình quân đầu người từ dưới 100 USD đã tăng hơn 43 lần, lên mức 4.333 USD. Dự kiến năm 2025 và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, bất chấp những khó khăn, phức tạp từ những biến động chính trị và thiên tai trên thế giới".

Câu hỏi còn lại là tại sao ngay sau 30/4/1975, chúng ta không giữ nguyên kinh tế thị trường có sẵn ở miền Nam mà "tập thể hóa", "quốc doanh hóa" đến mức suy kiệt rồi mới "đổi mới" - thực chất là quay lại kinh tế thị trường?

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Cánh én báo hiệu mùa xuân
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang