Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ:

Liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng - Dáng đứng tuổi 20

Thứ Ba, 25/07/2017 09:53

|

(CAO) Tại TP.HCM hiện nay có một xưởng in lớn, một trường học và một con đường mang tên Nguyễn Minh Hoàng. Nhân vật lịch sử này chính là liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng (1948-1968), người chiến sĩ anh dũng công tác tại Phân đội An ninh vũ trang thuộc An ninh Sài Gòn- Gia Định (tiền thân của lực lượng Công an TP.HCM ngày nay).

Nhiều năm trước, khi có dịp đến thăm gia đình liệt sĩ tại Bình Dương, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng Má Báu và anh Nguyễn Minh Phúc là mẹ và anh trai của liệt sĩ. Lúc đó má chưa quy tiên và đã 93 tuổi, miệng bỏm bẻm nhai trầu, bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về anh Bảy Trí (tức Nguyễn Minh Trí, tên ở nhà của liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng).

“Hồi còn nhỏ nó rất mê đánh trận giả với mấy đứa con nít, mỗi đứa cầm một cây tầm vông chia ra hai phe luồn lách phục kích nhau quanh hàng rào, bờ dậu, mê chơi quên cả ăn, má la hoài cũng không chịu về ăn cơm. Lớn lên nó tích cực tham gia đấu tranh trong các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên rồi theo cha, anh vào chiến khu với quyết tâm góp sức giải phóng quê hương” - má Báu bồi bồi kể.

Còn anh Phúc nhớ lại: “Tốt nghiệp tú tài toàn phần vào năm 1965, Hoàng vào chiến khu, tôi thu xếp cho em làm việc ở Ban tuyên huấn nhưng nó kiên quyết không chịu, một mực đòi: Em lên chiến khu là để được ra trận đánh giặc...”.

Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, Trung ương cục miền Nam thành lập Đảng ủy khu trọng điểm gồm 2 bộ chỉ huy : Bộ chỉ huy tiền phương Bắc (Tiền phương 1) do các đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh lãnh đạo, phụ trách mũi tiến công phía Bắc; Bộ chỉ huy tiền phương Nam (Tiền phương 2) do đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng lãnh đạo, phụ trách các mũi phía Tây, Nam và các lực lượng nội thành.

Liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng

Để bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo trong quá trình xâm nhập vào nội thành, Phân đội An ninh võ trang (PĐANVT) gồm 12 chiến sĩ trong đó có anh Hoàng được phân công bảo vệ Bộ tư lệnh Tiền phương 2. Ngày 31-1-1968, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định bí mật tiến sâu vào nội thành. Khi đến khu vực Phú Thọ, Chợ Thiếc (quận 11 ngày nay) thì bị địch phát hiện và tập trung một lực lượng lớn để tiêu diệt ta.

Trước tình thế hiểm nghèo, để bảo vệ Bộ tư lệnh Tiền phương chuyển ra ngoài an toàn, 12 chiến sĩ ANT4 được lệnh chốt lại chiến đấu chặn đường. Suốt 7 ngày đêm đối đầu với một lực lượng hùng hậu của địch gồm lính biệt động, cảnh sát dã chiến được chi viện tối đa xe tăng, thiết giáp, trực thăng, được sự đùm bọc của nhân dân, các chiến sĩ an ninh đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt trên 120 tên địch, bắn cháy 17 xe trong đó có 5 xe tăng.

Bia tưởng niệm 12 chiến sĩ an ninh vũ trang trong đó có liệt sĩ Nguyễn Minh Hoàng trên đường Lãng Binh Thăng, quận 11

Do địch điều thêm quân đông, lại bao vây tứ phía nên 12 chiến sĩ lần lượt hi sinh hoặc bị giặc bắt sau đó thủ tiêu vì không khai thác được gì. Anh Hoàng là người hi sinh trong những ngày đầu chiến đấu tại đây, trong một lần tình nguyện xung phong lên tuyến đầu đánh địch, anh mãi mãi ra đi sau một tràng tiểu liên AR15 của địch.

Nơi anh hy sinh nằm ở ngã ba đường Lê Đại Hành- Tân Phước, chỉ cách nhà in Nam Việt và Đông Á khoảng vài chục mét. Sau ngày đất nước giải phóng, UBND TP.HCM đã giao cho CATP tiếp nhận và sử dụng 2 nhà in trên để in ấn các tài liệu riêng cho ngành công an và lấy tên là xưởng in Nguyễn Minh Hoàng.

Ngay sau khi lui về tuyến sau an toàn, trong đợt tấn công thứ 2 tết Mậu Thân, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thay mặt Khu ủy và Bộ tư lệnh Tiền phương tuyên dương công trạng và phát động toàn thể CBCS học tập tinh thần chiến đấu dũng cảm, anh hùng của 12 chiến sĩ An ninh T4.

Bình luận (0)

Lên đầu trang