Du khách và người dân cũng cảm nhận rõ sự yên bình ở thành phố biển này. Tuy nhiên, để đạt được sự bình an như mong đợi thì còn nhiều việc phải làm. Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã trải lòng với chúng tôi về những “khát khao” mà Đảng bộ và nhân dân hướng tới…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với ông Võ Công Trí (bên phải) và một số đại biểu bên lề Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng
Phóng viên: Những điều hiện hữu thường nhật khiến ông trăn trở?
Ông Võ Công Trí: Một thực tế hiện nhiều người đang đối mặt, như ra đường sợ tai nạn giao thông, cướp giật, kẹt xe, ngập nước; đến nhà máy, xí nghiệp lo tai nạn lao động; đi chợ lo thực phẩm thiếu an toàn; đến bệnh viện lo không được chăm sóc chu đáo; đưa con đến trường học lo con không được đối xử công bằng…
Ngoài ra, tình trạng cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy… làm cho nhiều gia đình tan nát, đạo đức con người tha hóa, văn hóa xã hội xuống cấp.
Tuy đường sá và phương tiện giao thông ngày càng hiện đại, nhưng tai nạn thì dường như không giảm. Trường học, công sở, trung tâm y tế đã khang trang hơn, nhưng ai dám bảo đảm chất lượng đào tạo, chăm sóc y tế được nâng lên tương ứng. Chính quyền tìm mọi cách cải cách hành chính, nhưng ai dám bảo công chức đã hết nhũng nhiễu…(?).
Bên cạnh đó, xã hội phát triển từng ngày, nhưng vẫn còn đó ngổn ngang những tệ nạn, bất công, cạm bẫy làm cho người ta không thể yên lòng. Tệ quan liêu, yếu kém của hệ thống chính quyền làm cho nhiều người thêm nản lòng…
Hẳn nhiên cuộc sống luôn bộn bề lo lắng khiến ông luôn trăn trở, cần làm gì để hạn chế điều đó?
Ý thức là vấn đề then chốt, đi đầu. Luật pháp dù có hoàn chỉnh đến đâu cũng khó lòng bao quát hết những gì diễn ra trong đời sống. Cơ sở vật chất dù có hiện đại như thế nào cũng không thể lường hết những vấn đề của người dân đô thị, nhất là trong những tình huống khẩn cấp. Do vậy, từng người dân cũng như cả cộng đồng phải ý thức được trách nhiệm công dân và vị trí là thành viên trong cộng đồng của mình.
Không ít người còn lòng đố kỵ, chạy đua để tranh giành tiền bạc, địa vị, danh vọng… thì cuộc sống của mỗi người và cộng đồng làm sao có thể bình an.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay ông Võ Công Trí
Muốn vậy, chính quyền, đoàn thể phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, rèn luyện ý thức tự giác, kỹ năng sống, tăng cường ý thức, tinh thần cộng đồng cho người dân.
Cần xúc tiến biên soạn giáo trình văn minh đô thị phù hợp với đặc điểm của thành phố và đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông để hình thành những thế hệ mới thấu hiểu cuộc sống và văn hóa, văn minh đô thị. Văn hóa là môi trường của một thành phố an bình, là động lực thôi thúc người ta sống tốt.
Quan trọng hơn nữa là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, biết lo cho dân, tận tụy với mong muốn của nhân dân. Biết dung nạp được văn minh của nhân loại, kiểm soát được mọi tình hình.
Bảo đảm trật tự an toàn xã hội đã khó, nhưng còn khả dĩ hơn là xây dựng một xã hội nền nếp, công bằng, dân chủ, văn minh…
Sự phối hợp giữa chính quyền - doanh nghiệp - các tổ chức và các hoạt động xã hội phải tạo ra cho được những nền tảng cho văn hóa phát triển.
Khát khao Đà Nẵng hướng đến thành phố an bình, mỗi người cần phải làm gì?
Với Đà Nẵng, đã có được những thành quả về xây dựng “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”; đã có những chính sách xã hội giàu chất nhân văn. Đà Nẵng tạo được sự đồng thuận xã hội, tạo những xung lực lớn cho phát triển. Trên lĩnh vực kinh tế, đang tạo ra giá trị trong các hoạt động kinh doanh, giàu lòng tự trọng, hành vi hợp văn hóa…
Để xây dựng thành phố thành nơi có chất lượng sống tốt thì phải củng cố niềm tin, giảm thiểu những lo lắng. Một khi sự an toàn của người dân chưa được bảo đảm thì sự lo lắng, bất an là điều dễ hiểu.
Xây dựng thành phố an bình không chỉ làm cho người dân khi ra đường không còn lo lắng, mà còn phải làm sao ngăn chặn tệ nạn xã hội, đói nghèo và bất công. Cần phải xây dựng môi trường sống lành mạnh, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị phù hợp xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường bền vững...
Hơn nữa, còn phải xây dựng môi trường làm việc và môi trường xã hội lành mạnh, đề cao các giá trị nhân văn, đạo đức. Tài năng được trọng dụng, người yếm thế phải được chở che, tình người luôn ấm áp; tiêu cực, tham nhũng, bất công không có đất sống…
Có một “triết lí” thành phố bình an?
Tôn giáo quan niệm bình an là báu vật, là của cải lớn nhất của con người. Thật ra, bình an là một giá trị của đời sống. Xây dựng thành phố an bình là kế thừa và cụ thể hóa mục tiêu nêu ra từ các đại hội trước, là bảo đảm sự bình an cho mỗi người và cho tất cả mọi người. Thành phố an bình là thành phố sống tốt. Xây dựng thành phố an bình là xây dựng một thành phố sống tốt. An bình là giá trị cốt lõi của thành phố đáng sống. Muốn vậy, mọi người cần phải chung tay, chung sức, chung lòng…
Xin cảm ơn ông!