'Ngáo đá' có thể dẫn đến hành vi giết người chặt xác

Chủ Nhật, 26/06/2016 05:53

|

(CAO) Nhân Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26-6 và Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2016, Báo Công an TP.HCM có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an về những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong công tác phòng chống ma túy.

Phóng viên: Chủ đề của “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và hưởng ứng “Ngày quốc tế phòng chống ma túy” năm 2016 là “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”, vậy thế hệ trẻ có vai trò gì trong công tác phòng chống ma túy?

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Trong cuộc đấu tranh phòng chống ma túy, để đạt được hiệu quả, chúng ta phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể… trong đó, thanh niên đóng vai trò rất quan trọng. Trong Tháng phòng chống ma túy năm nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng về hiểm họa của tệ nan ma túy để nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc phòng chống ma túy. Tôi cho rằng, việc này có hiệu ứng rất tốt trong công tác phòng chống ma túy. Bởi vì hiện nay, tình hình tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp và ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Vì vậy, huy động sức trẻ của thanh niên có vai trò rất quan trọng.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn

Qua công tác phòng chống ma túy, chúng ta đang nói đến sự trẻ hóa của tội phạm ma túy và đối tượng sử dụng ma túy. Đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy; trong đó 76% người nghiện ở độ tuổi dưới 35; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Trên thực tế, số người nghiện còn lớn hơn nhiều. Với số lượng người trẻ, là lực lượng lao động chính mà nghiện như thế thì rất nguy hiểm cho xã hội. Sở dĩ hiện nay, việc sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đang như một trào lưu, là bởi công tác tuyên truyền còn chưa sâu rộng, hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhiều thanh niên sử dụng ma túy như một cách thể hiện mình, coi đó là việc ăn chơi sành điệu, là lối sống hiện đại mà không hiểu đến tác hại khôn lường của ma túy và bị lôi kéo vào các hành vi phạm tội, tệ nạn ma túy.

Do đó, nếu chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, sẽ ảnh hưởng sâu xa về mặt xã hội, dẫn đến sự băng hoại tư tưởng, đạo đức của cả một thế hệ trẻ, rất nguy hiểm. Vì vậy, không ai tuyên truyền cho họ tốt bằng chính họ. Hiện chúng tôi đã tham mưu với Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đưa hoạt động phối hợp với Đoàn thanh niên để huy động lực lượng trẻ này vào tuyên truyền, vận động phòng chống ma túy.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, hiện nay, thanh niên bị dụ dỗ, lôi kéo vào sử dụng ma túy bằng con đường nào?

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Có rất nhiều con đường để một người có thể tìm đến sử dụng ma túy, nhưng chủ yếu vẫn là bằng nhận thức, kích thích trí tò mò. Những thanh niên, thậm chí cả học sinh, sinh viên thường thiếu hiểu biết về các loại ma túy, không biết tác hại của việc nghiện ma túy, nhưng lại muốn khẳng định mình, tỏ ra biết cách ăn chơi nên rất dễ bị lôi kéo vào các hành vi sử dụng ma túy và phạm tội về ma túy. Giới trẻ thường rỉ tai nhau rằng: có loại ma túy này mới xuất hiện, sử dụng các loại ma túy tổng hợp sẽ không nghiện, lại có độ phê cao, rất hưng phấn...

Nguy hiểm hơn, nhiều cháu học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường cũng bị lôi kéo sử dụng ma túy chỉ vì muốn tìm cảm giác lạ, chứ không do nguyên nhân gì sâu xa cả, thậm chí chỉ vì nghe các bạn bảo: sử dụng cái này nhảy thích lắm. Nhưng khi đã nghiện ma túy sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tác hại cho bản thân họ bởi các chất ma túy tác động thẳng lên thần kinh trung ương, gây cho họ sự hưng phấn quá đà, thậm chí làm họ không thể kiểm soát được hành vi, dẫn đến làm những việc mà bình thường không làm được, tự gây nguy hiểm cho chính mình như lột quần áo nhảy múa giữa đường, leo lên cột điện, trèo lên tháp cao mấy chục mét,... hay sẵn sàng phạm những tội mất hết cả nhân tính, làm băng hoại đạo đức xã hội như: con giết bố mẹ, cháu giết ông bà, hay giết người bằng những cách rất tàn bạo, giết rồi chặt xác… mà chúng ta thường gọi là “ngáo đá”, dẫn đến tác hại cho toàn xã hội.

Phóng viên: Hiện nay, có phải đã xuất hiện tình trạng mua bán ma túy qua mạng xã hội?

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Việc sử dụng các mạng xã hội để mua bán ma túy cũng là điều dễ hiểu, bởi trong nền kinh tế thị trường, khi internet phát triển, người ta có thể chia sẻ những thông tin, những vấn đề cùng quan tâm. Mạng xã hội có sức lan tỏa rất nhanh, và bọn tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy đã lợi dụng điều này để mua bán ma túy. Các đối tượng có thể quảng cáo, mua bán các loại ma túy, chủ yếu là ma túy tổng hợp. Ví dụ như các đối tượng quảng cáo dưới hình thức như “nước thiên thần”, “trà bổ dưỡng”, “trà giảm cân”…hay dùng tiếng lóng để mua bán, trao đổi. Đây là một thủ đoạn tội phạm mới, dù mới chỉ ở hình thức buôn bán nhỏ lẻ.

Trên thực tế, chúng ta cũng đã bắt được một số vụ mua bán ma túy qua mạng. Đây chính là một thách thức đối với lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy, đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ phải luôn luôn nâng cao trình độ, hiểu biết về xã hội, về khoa học, công nghệ để chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tổ chức phòng ngừa và phát hiện, đấu tranh hiệu quả.

Phóng viên: Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ vận chuyển rất lớn loại ma túy có tên là lá “KHAT”. Vậy xin đồng chí cho biết đây là ma túy gì?

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Cũng qua điều tra hoạt động của tội phạm trên mạng xã hội, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đã phát hiện có tình trạng tội phạm quốc tế có lợi dụng các mạng xã hội để móc nối, tạm nhập lá KHAT dưới danh nghĩa là trà vào Việt Nam, sau đó xuất đi các nước như Mỹ, Canada… để tiêu thụ. Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an đã phối hợp với lực lượng Hải quan phát hiện dấu hiệu nghi vấn của các lô hàng từ các nước Châu Phi chuyển vào Việt Nam rồi chuyển đi các nước khác nên đã tiến hành theo dõi, điều tra và phát hiện thực chất các lô hàng có chứa lá KHAT.

Đây là loại cây có chứa chất ma túy, chất độc trong cây lá KHAT nằm trong danh mục I của Nghị định 82/2013 quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất của Chính phủ và bị cấm tuyệt đối không được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực y tế. Cây lá KHAT chỉ được trồng ở khu vực Sừng châu Phi như Djibouti, Ethiopia, Somalia, và Yemen, được sử dụng giống như đồng bào dân tộc ở Việt Nam trồng và sử dụng cây thuốc phiện để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ở châu Phi, người dân sử dụng lá KHAT để phòng ngừa, chống bệnh sốt rét rất nguy hiểm ở đây. Nhưng nếu lạm dụng, nghiện thì đây sẽ là loại ma túy cực kỳ độc, làm cho người sử dụng có những hành động rất điên rồ, không thể điều khiển được hành vi. Nguy hiểm hơn, nếu dùng nhiều sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con người như ung thư vòm họng, rụng răng và nhiều bệnh khác với tỷ lệ tử vong cao.

Các loại ma túy tinh chế từ lá KHAT có mức độ nguy hại, tàn phá cơ thể đối với người sử dụng đáng sợ hơn gấp nhiều lần các loại ma túy thông thường. Hiện ở TP.HCM cũng như các tỉnh thành chưa ghi nhận về người nghiện lá “KHAT”, mà bước đầu xác định các đối tượng gốc Phi sử dụng Việt Nam như là nước trung chuyển loại lá ma túy này đi các nước thứ ba. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82 để cấm sử dụng các chất ma túy và tiền chất, vì vậy với bất kỳ vi phạm nào sẽ bị xử lý pháp luật.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Bình luận (0)

Lên đầu trang