Thông tin mới về vụ tháo dỡ “biệt phủ” đại gia vàng tại Đà Nẵng:

Người dân và chủ 'biệt phủ' gửi đơn cứu xét đến Chủ tịch nước, Thủ tướng

Thứ Tư, 19/08/2015 17:25  | Xuân Hoài

|

(CAO) Ngày 19-8, tin từ Văn phòng UBND quận Liên Chiểu, địa phương này vừa nhận công văn của UBND TP.Đà Nẵng do Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ ký “gia hạn thời gian tháo dỡ công trình xây dựng không phép của ông Ngô Văn Quang”.

Theo đó, công văn này nêu rõ: “Xét báo cáo của UBND quận Liên Chiểu và kiến nghị của ông Ngô Văn Quang, UBND thành phố có ý kiến như sau: Gia hạn thời gian tháo dỡ công trình xây dựng không phép của ông Ngô Văn Quang tại tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu đến hết ngày 30-11-2015.

Giao UBND quận Liên Chiểu kiểm tra, giám sát quá trình tháo dỡ và khôi phục lại tình trạng ban đầu của ông Ngô Văn Quang đảm bảo hoàn thành theo đúng thời gian như đã nêu”.

Đơn xin cứu xét của người dân cùng ký tập thể

Theo thông tin chúng tôi nắm được, mới đây, ông Ngô Văn Quang đã có đơn xin cứu xét gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc: “Xin được nộp phạt hành chính, cam kết nộp khoản tiền để tái tạo rừng theo quy định và xin cho khu du lịch sinh thái (DLST) tại tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu được tồn tại và hoạt động, sẽ lập toàn bộ thủ tục theo đúng quy định của nhà nước”.

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng cho biết vừa nhận đơn của hàng trăm người dân phường Hòa Hiệp Bắc ký đơn tập thể “Về vụ phá bỏ khu DLST tại tổ 2 phường Hòa Hiệp Bắc”. Trong đơn này, người dân gửi Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành TP.Đà Nẵng với nguyện vọng “Xin được giữ lại để làm khu DLST”.

“Biệt phủ” đại gia vàng Ngô Văn Quang được gia hạn thêm ba tháng

Được biết, trước khi diễn ra kỳ họp thứ 14 HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), sau khi nhận đơn, nắm bắt các văn bản, báo cáo liên quan, ngày 15-4-2015, lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng cùng với đồng chí Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII, đơn vị quận Liên Chiểu đã trực tiếp thị sát tại hiện trường.

Sau đó, ngày 25-4-2015, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng có công văn “Trình bày quan điểm về khu DLST khu vực đồi Chim Chim, tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu”.

Bên trong “biệt phủ” có nhiều công trình đồ sộ, tinh xảo

Theo đó, UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng kiến nghị HĐND và UBND thành phố cho phép để ông Ngô Văn Quang tiếp tục thực hiện dự án khu DLST tại khu vực đồi Chim Chim với điều kiện: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xử phạt các hạng mục đã xây dựng trái phép; lập thủ tục chuyển đổi mục đích khu đất của dự án; ông Ngô Văn Quang phải có đề án xây dựng khu DLST đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch du lịch chung của thành phố, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, vừa giải quyết một bộ phận lao động trong khu vực mà dự án đang hình thành, phát triển như phương án mà ông Quang trình bày”.

Nhưng sau đó, ngày 8-7, tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã đi đến quyết định và ra Nghị quyết tháo dỡ khu biệt phủ của ông Ngô Văn Quang chậm nhất vào cuối tháng 8-2015 (Báo Công an TP.HCM đã thông tin).

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Thanh Hùng cho biết, ông đã từng đi thị sát khu “biệt phủ” của ông Quang, “thấy rất quy mô, làm công phu, nếu tháo dỡ cũng thấy quá lãng phí”.

Ông Trần Tình, phụ trách Mặt trận khối phố Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc bên chồng đơn Chủ tịch nước, Quốc hội, Thủ tướng về việc “xin giữ lại làm khu DLST”

Ông cũng đồng quan điểm với Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng là “nên giữ lại để làm khu DLST”. “Kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Đà Nẵng tôi đi công tác nước ngoài nên không tham gia biểu quyết. Nhưng giờ HĐND đã ra Nghị quyết thì phía ông Quang phải chấp hành, tôi cũng không có ý kiến gì thêm”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng cho rằng: “HĐND ra Nghị quyết tháo dỡ là đúng theo quy định. Tuy nhiên, tháo dỡ khu “biệt phủ” trên thì quá lãng phí.

Ở đây cũng có trách nhiệm của cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng. Họ làm một công trình đồ sộ như thế 5-6 năm mà không xử lý dứt điểm, để rồi giờ phải tháo dỡ thì quá đáng tiếc, thiệt hại cho xã hội”.

“Giờ HĐND ra Nghị quyết thì UBMTTQ TP. Đà Nẵng cũng đồng thuận. Tuy nhiên, nếu như Bộ Tài nguyên Môi trường vào kiểm tra, nếu xét thấy tháo dỡ quá lãng phí cho xã hội thì bộ này sẽ đề xuất cấp trên giải quyết theo thẩm quyền”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Bình luận (11)

Luật pháp là trên hết, không vì một vấn đề gì cả. Kể cả rất nhiều tiền, phải phá để làm gương...

Lê Vân - Thứ Bảy, 29/08/2015, 09:01 Trả lời | Thích

Xin để làm gì khi mọi việc đã xong. Pháp luật đâu phải là trò chơi.

Bạn đọc - Thứ Tư, 26/08/2015, 02:06 Trả lời | Thích

Pháp luật phải nghiêm minh, không nên tạo tiền lệ xấu cho các vi phạm (nếu có) sau này.

Minh Tuấn - Thứ Ba, 25/08/2015, 09:51 Trả lời | Thích

Luật nước là tối thượng, ngay cả vài chục người, vài trăm người xin giữ lại cũng không được chấp nhận. Không thể tạo tiền lệ để phá luật được. Tính chính thống của nhà nước phần lớn và quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật.

Phan-Bá P. - Thứ Sáu, 21/08/2015, 02:52 Trả lời | Thích

Đà Nẵng là một thành phố nổi tiếng nghiêm khắc với các vi phạm pháp luật nhưng cũng rất tình người. Riêng vụ này thì cương quyết tháo dỡ là hoàn toàn đúng và hợp lý.

Lê Văn Thi - Thứ Năm, 20/08/2015, 11:43 Trả lời | Thích
Lên đầu trang