(CAO) Là một trong những người tiên phong trồng Mắc Ca ở tỉnh Lâm Đồng, nông dân Nguyễn Văn Thạch (tổ 17, phường 2, thành phố Bảo Lộc) thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng chỉ sau hai mùa vụ đầu tiên.
Cách đây 17 năm, ông Nguyễn Văn Thạch vẫn là một ông chủ nhỏ ở làng quê Vĩnh Phúc với 5 ha xưởng gạch và 1 ha ao cá. Nhận thấy Lâm Đồng là mảnh đất tiềm năng với đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển kinh tế, cũng như thuận lợi cho việc học hành của các con. Gia đình ông Thạch rời quê, khăn gói vào Bảo Lộc xây dựng kinh tế mới.
Bằng số vốn ít ỏi ban đầu, ông Thạch mua được 3,5 ha đất đồi. Sau đó, gia đình ông vừa khai khẩn vừa mua thêm, đến nay tổng diện tích sản xuất của gia đình ông Thạch đã lên đến 8 ha, có hàng rào gạch bao quanh vườn cùng với lối đi bằng bê tông rộng hơn 3m.
Với mô hình chăn nuôi heo, tự sản xuất phân heo bón cho cây cà phê và Mắc Ca nên mô hình của ông Thạch đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện ông đang nuôi hơn 2.000 con heo với quy mô chuồng trại đạt chất lượng, hợp vệ sinh. Đặc biệt, trên 5 ha đất trồng cà phê, ông Thạch mạnh dạn trồng hơn 1.000 cây Mắc Ca, đây là nguồn thu chính của gia đình ông trong những năm gần đây.
Năm 2010, khi người nông dân chỉ mới biết đến tên cây Mắc Ca, ông Thạch đã tiên phong mua cây giống từ Đam Rông về trồng với giá 50.000 đồng/cây. Ban đầu ông Thạch khá lo lắng vì không biết giống cây này liệu có thích hợp với đất Lâm Đồng hay không?
Nhưng sau một thời gian đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm từ những vùng trồng Mắc Ca khác, ông nhận thấy không nơi nào Mắc Ca lại sinh trưởng và phát triển tốt như ở đây.
Nghiên cứu sách báo, thay vì theo lý thuyết 8 năm mới thu hoạch thì chỉ sau 6 năm trồng Mắc Ca, với số tiền đầu tư hơn 300 triệu đồng, vườn Mắc Ca của ông đã cho thu hoạch những quả đầu tiên.
Anh Nguyễn Văn Thạch bên cây Mắc Ca của gia đình
Ông Thạch cho biết: “Mắc Ca là loại cây lâu năm, chống hạn tốt, không sâu bệnh và ít tốn công chăm sóc; trồng xen với cây cà phê, vừa tận dụng được nguồn phân bón của cà phê, vừa phủ xanh đất; quả Mắc Ca chín rơi xuống đất cũng không sợ bị sóc, chuột ăn”.
Theo ông Thạch, Mắc Ca cho lợi nhuận cao hơn cà phê rất nhiều. Bằng chứng là 5 ha cà phê của ông, hằng năm cho thu hoạch trung bình 20 tấn với lợi nhuận 800 triệu đồng. Nhưng năm 2014, với những trái bói, ông thu được gần 2 tấn Mắc Ca và bán ra thị trường làm hạt giống với giá 140.000 đồng/kg tươi.
Năm 2015, từ Tết Nguyên Đán đến nay ông Thạch hàng tuần vẫn thu hoạch Mắc Ca với tổng lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Theo tính toán của ông Thạch, một cây Mắc Ca cho lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/năm, càng về sau càng thu được nhiều quả hơn.
Lợi nhuận cao là thế nhưng cũng như nhiều người trồng Mắc Ca khác, ông Thạch trăn trở thị trường Mắc Ca trong tương lai như thế nào. Bởi hiện chưa có cơ sở chế biến nào thu mua Mắc Ca của người nông dân.
“Có những đơn đặt hàng hơn chục tấn, nhưng quy mô Mắc Ca của gia đình nhỏ, hiện chỉ cung cấp hạt chủ yếu cho các trại giống”, ông Thạch cho biết thêm.