(CATP) Đồng chí Nguyễn Tài - người Anh hùng của lực lượng Công an nhân dân (CAND), vừa từ trần ngày 16-2-2016. Với những chiến công xuất săÌc, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh.
ĐỐI MẶT VỚI CIA
Đồng chí Nguyễn Tài sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi, ông gia nhập Đoàn thanh niên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 3-1945. Tháng 9-1945, ông bắt đầu công tác trong ngành an ninh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Trưởng ty Công an Hà Nội, rồi Giám đốc Sở Công an đặc khu Hà Nội. Tháng 9-1958, ông giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị Bộ Công an. Vì nhiệm vụ chính trị, ngày 21-3-1964, ông được Trung ương cử vào miền Nam trực tiếp chiến đấu (là nhân vật cấp cao nhất trong ngành Công an từ trước đến lúc vào Nam).
Tại miền Nam, ông trở thành Ủy viên Ban An ninh của Trung ương Cục miền Nam, năm 1966 làm Trưởng ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên, rồi Ủy viên Thường vụ Thành ủy. Ở các cương vị đảm trách, ông đã có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định thành một lực lượng vững mạnh, được Nhà nước khen thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Tài cùng vợ chụp ảnh kỷ niệm trước phòng giam ở số 3 đường Bạch Đằng
Tiến sĩ Phan Văn Hoàng - nguyên cán bộ trinh sát vũ trang An ninh T4 - cho biết: Tháng 12-1970, trên đường đi dự một cuộc họp Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, ông bị địch bắt. Trong các trung tâm thẩm vấn của Mỹ - Thiệu, địch không khai thác được một thông tin gì dù là nhỏ nhất ở người chiến sĩ cộng sản gan dạ. Địch phát hiện ông mang thẻ căn cước giả nên đã đưa ông đi thẩm vấn ở nhiều nơi như Bến Tre, Cần Thơ, Mỹ Tho... Để không ảnh hưởng tới những bí mật của các tổ chức Đảng, ông đã tạo ra một lý lịch giả, tự nhận mình là đại úy Nguyễn Văn Hợp (tình báo miền Bắc mới vào Nam). Vì vậy, ngày 7-1-1971, ông bị đưa lên Sài Gòn để cho các tình báo Mỹ cũng như các chuyên viên chế độ cũ Sài Gòn thẩm vấn, tra tấn dã man hàng tháng trời, nhưng địch đều bất lực, không thu được kết quả gì.
Frank Snepp - một chuyên viên CIA, người phụ trách thẩm vấn ông trong suốt hơn hai năm - nhận xét: “Phần lớn những gì ông Tài khai báo chỉ là những thông tin giả, của một câu chuyện che giấu được ông dựng lên một cách khéo léo. Thẩm vấn Nguyễn Tài - một người cộng sản trung kiên khiến cho tôi gặp rất nhiều thách thức. Cho đến ngày 30-4-1975, ông đã trải qua hơn 4 năm bị biệt giam trong xà lim, nhưng ông chưa từng tiết lộ một chi tiết nhỏ về thân nhân của ông là ai”.
TỪ CÕI CHẾT TRỞ VỀ
Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, người có nhiều năm sống và làm việc với đồng chí Nguyễn Tài, kể: Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh và tù dân sự cho nhau. Nhưng Mỹ - Thiệu vi phạm trắng trợn hiệp định, tiếp tục giam giữ nhiều người (trong đó có đồng chí Nguyễn Tài) đến tận ngày 30-4-1975, tức thêm 2 năm 3 tháng mới được thả, những năm tháng đó, đồng chí Nguyễn Tài gọi đùa là thời gian “bị tù dư”.
Trong thời gian địch lấy cớ trao trả tù binh để tiếp tục hỏi cung, đồng chí Tài kiên quyết phản đối: “Nếu trong việc làm thủ tục để trao trả tù binh, có gì cần làm thì tôi làm. Ngoài ra, thì tôi không làm gì hết. Các ông không có quyền hỏi cung tôi nữa. Tôi cũng không chấp nhận việc hỏi cung và không trả lời hỏi cung nữa...”. Thấy địch không nói tới chuyện trao trả, ông viết thư gửi “Nhà đương cục Hoa Kỳ chịu trách nhiệm trao trả tù binh theo Hiệp định Paris... đòi phải tuyên bố rõ việc trao trả...”.
Vợ chồng đại tá Nguyễn Tài cùng các con
Kết thúc chiến tranh, Hung D.S Greenway - một chuyên gia quân sự Mỹ - kể: Frank Snepp, chuyên viên CIA thẩm vấn ông Tài trong thời gian lâu nhất (gần 1.000 ngày đêm), được CIA thưởng Huân chương công trạng về tình báo năm 1975, giữ nhiều ấn tượng sâu đậm và không thể đưa Tài ra khỏi tâm trí của mình. Anh ta tìm mọi cách sang Pháp để nói với Phái bộ Việt Nam rằng Tài đã xử sự một cách đáng kính trọng... Với lòng ngưỡng mộ một người chiến sĩ cộng sản trung kiên, năm 1997, Frank Snepp đã dành hẳn một chương trong cuốn hồi ký Decent Interval để kể về chuyện ông Nguyễn Tài.
Ngày 23-12-1998, Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Tài đã có tinh thần chịu đựng sự tra tấn dã man của địch, khôn khéo đối phó với địch, bảo vệ cơ sở và những bí mật của Đảng”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người từng có thời gian hoạt động chung với đồng chí Nguyễn Tài trên chiến trường miền Nam, nhận định: “Quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Nguyễn Tài cho thấy đồng chí thực sự xứng đáng là một anh hùng”.
Đồng chí Nguyễn Tài (tên thật là Nguyễn Tài Đông, bí danh Tư Trọng, Tư Duy, Ba Sáng) sinh ngày 11-12-1926 tại thị xã Hải Dương; quê quán: làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên; thường trú tại số nhà 25, ngõ 4 Đặng Văn Ngữ, P.Trung Tự, Q.Đống Đa, Hà Nội; đã từ trần hồi 4 giờ ngày 16-2-2016 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân) tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, thọ 91 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn kiêm Trưởng ban An ninh T4 trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam trực thuộc Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa VIII; huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ...
Tang lễ của Anh hùng Nguyễn Tài được tổ chức theo nghi thức cấp cao.
Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 11 giờ thứ ba 23-2-2016 (tức 16 tháng Giêng năm Bính Thân) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang lúc 11 giờ cùng ngày. Điện táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội.
|