Đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy phải tính đến phòng ngừa tội phạm là chính

Thứ Sáu, 13/11/2020 15:59  | Đào Giang

|

(CAO) Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Số người nghiện ma túy tăng nhanh chóng

Tại hội trường, nhiều đại biểu nêu lên thực tiễn thời gian qua, số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp với nhiều hình thức sử dụng, từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...

Nhiều đại biểu cũng đặt ra vấn đề về mặt nhận thức, quan điểm coi người nghiện là "tội phạm" hay "người bệnh;" người sử dụng ma túy ở mức nào thì bị coi là "nghiện ma túy."

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, sử dụng ma túy một vài lần có thể gây nghiện, nhưng đồng thời cũng không thể trả lời chính xác các câu hỏi: sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì nghiện.

Việc xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là cơ sở kết luận người đó có sử dụng ma túy, chứ không phải là cơ sở kết luận người đó nghiện ma túy.

"Vì vậy, việc phân định chính xác những kiểu người này để có biện pháp tương ứng về mặt pháp luật là rất cần thiết, rất quan trọng, đối tượng nào thì biện pháp đó", đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, các luật hiện hành chỉ quy định quản lý đối với người nghiện, không có quy định quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và những người có hành vi tàng trữ ma túy.

Nếu bị phát hiện thì người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 1 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình) và sau đó không có bất cứ chế tài quản lý nào đối với họ.

Sau này, họ trở thành người nghiện rồi mới bị quản lý và quản lý sau cai. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu đã thành người nghiện thì không dễ cai, và lúc đó thậm chí có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội.

"Trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định thành 1 tội trong Bộ luật Hình sự và tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau đó có sự thay đổi trong cách nhận thức về hành vi này và coi họ là nạn nhân của tệ nạn ma túy. Do đó, Bộ luật Hình sự hiện hành đã bỏ tội danh trên. Từ đó đã khiến số người nghiện trong thời gian vừa qua tăng nhanh chóng", đại biểu phân tích, đồng thời dẫn lại báo cáo của Bộ Công an.

Theo đó, năm 2009, cả nước có 146.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; sau 10 năm, năm 2019 thì con số này là 225.000 người, tăng 72.000 người.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về việc sử dụng trái phép chất ma túy với việc nghiện ma túy là 2 việc khác nhau.

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, về cơ bản, những người sử dụng trái phép chất ma túy thì thường nghiện; nhưng phải phân biệt rất rõ hai vấn đề này.

Thực tiễn, nhiều người sau khi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, họ được xác nhận là không còn nghiện ma túy. Tuy nhiên, có thể sau đó, họ lại sử dụng ma túy.

Vấn đề đại biểu đặt ra là cần phải quy định về "một khoảng thời gian" trong xác định tình trạng nghiện.

Bộ Công an không ngại việc quản lý cơ sở cai nghiện 

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc, đa dạng, phong phú, tâm huyết và rất có trách nhiệm đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tên gọi của Luật là "Phòng, chống ma túy" nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung về phòng ngừa còn ít. Về vấn đề này, Bộ Công an sẽ tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện hơn, kể cả ý kiến các đại biểu nói là sẽ thành lập 1 chương riêng về phòng chống ma túy, nhưng thực tế là rất khó, tuy nhiên Bộ sẽ nghiên cứu vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy phải tính đến phòng ngừa tội phạm là chính, chứ không phải chỉ là đấu tranh, không phải chỉ bắt giữ, làm sao phải ngăn chặn, giảm được nguồn cung cấp ma túy và phải tính đến những yếu tố để phòng ngừa hiệu quả. Tiếp đến là phải giảm nguồn cầu từ người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là những vấn đề chính để giảm tác hại của ma túy.

Vấn đề đại biểu quan tâm tiếp theo là người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy. Đối với người sử dụng ma túy trái phép, hiện nay chưa có biện pháp xử phạt hành chính, mà vẫn là giáo dục, vận động. Đối với người nghiện thì bắt đầu có biện pháp xử phạt hành chính. Thái độ ứng xử thế nào với người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện vẫn còn rất khác nhau.

Do đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ ràng trong luật, vì đối tượng này rất đa dạng, nhiều trường hợp đáng thương nhưng cũng có nhiều trường hợp có tiền án tiền sự. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thái độ của người dân, của xã hội như thế nào đối với người nghiện và người người sử dụng trái phép chất ma túy cũng cần được thể hiện rõ ở trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội còn bày tỏ sự quan tâm đến việc làm rõ cơ quan chủ trì và cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống ma túy. Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Thực tế cho thấy, cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy có rất nhiều. Chúng ta huy động cả xã hội, cả hệ thống chính trị và mọi người dân đều có trách nhiệm đối với công tác này.

Tuy nhiên, Bộ Công an sẽ làm rõ hơn cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy như mong muốn của các đại biểu Quốc hội. Còn cơ quan chủ trì phòng chống ma túy hiện đang vẫn giao cho Bộ Công an thực hiện vì có những căn cứ quy định phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Công an nhân dân năm 2018, quy định: "Công an nhân dân là lực lượng vũ trang, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm bảo trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội". Trong đó, tội phạm về ma túy là một loại tội phạm.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân được điều tra tất cả các tội phạm về ma túy. Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển cũng được tiến hành điều tra ban đầu một số tội phạm về ma túy nhưng không phải toàn diện trên tất cả các công đoạn.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy từ năm 2017 đến 2019 cho thấy, các cơ quan chuyên trách của lực lượng công an nhân dân đã trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ về ma túy, đối tượng về ma túy. Còn các cơ quan khác tham gia ở một tỷ lệ nhỏ hơn. Cụ thể như trong 3 năm vừa qua, có 69.712 vụ, 107.427 tội phạm về ma túy thì lực lượng công an nhân dân đã phát hiện, điều tra, xử lý là 66.825 vụ việc liên quan đến ma túy (chiếm 95,8%) và số người liên quan đến tội phạm về ma túy là 103.467 người (chiếm 96,2%).

Lực lượng Hải quan đã tiến hành phát hiện, xử lý là 251 vụ (chiếm 0,36%) và số người liên quan đến tội phạm về ma túy là 256 người (chiếm 0,25%). Lực lượng cảnh sát biển là 334 vụ (chiếm 0,47%) với 608 người liên quan đến tội phạm về ma túy (chiếm 0,56%). Còn lực lượng biên phòng là 2.302 vụ (chiếm 3,3%) với số người liên quan đến tội phạm về ma túy là 3.156 người (chiếm 2,93%).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ Công an rất mong các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Cơ quan chủ trì sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng như các cơ quan khác tiếp thu, bổ sung ý kiến đóng góp cho phù hợp với thực tiễn.

Về vấn đề quản lý cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Bộ Công an không ngại thực hiện vấn đề này. Nếu luật cho phép, Bộ sẵn sàng làm việc này. Đây cũng là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm ma túy hiệu quả hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang