Những điểm mới trong dự thảo ‘siêu Nghị định’ về công tác cai nghiện

Thứ Hai, 11/10/2021 20:01

|

(CAO) Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Văn bản pháp luật này được coi là một "siêu Nghị định" khi gộp nội dung của 9 Nghị định liên quan, cùng với nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai thời gian qua.

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 90 điều, bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc không ban hành nhiều Nghị định, giúp tiết kiệm kinh phí nghiên cứu, xây dựng, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, phù hợp với điều kiện ngân sách, năng lực tổ chức thực hiện.

Theo ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), dự thảo Nghị định lần này có nhiều điểm mới như: Đề cao tinh thần tự nguyện của người nghiện ma túy khi hướng dẫn họ các thủ tục đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế với sự hỗ trợ của các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy và ngân sách nhà nước; trường hợp không tự nguyện thì cơ quan có thẩm quyền mới lập hồ sơ để đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc.

Dự thảo Nghị định cũng quy định các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để làm công tác cai nghiện ma túy, làm tăng khả năng huy động xã hội hóa trong công tác cai nghiện ma túy và đủ điều kiện bảo đảm quản lý người nghiện ma túy khi tham gia cai nghiện ma túy.

Với những quy định mới trong dự thảo được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc trong công tác cai nghiện hiện nay

Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục, đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, đặc biệt là giảm thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, trong đó có quy định mới về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và quy định thống nhất về quy trình cai nghiện ma túy… Từ những tháo gỡ trên sẽ khắc phục được những khó khăn trong quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.

Đơn cử như đối với người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến đủ 18 tuổi được tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện, cho đến khi gia đình, người giám hộ không đăng ký cai nghiện nữa nhưng các em vẫn còn nghiện thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điều này thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, chăm lo của nhà nước, nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy.

Hay như trước đây, việc tổ chức hoạt động cai nghiện tại gia đình cộng đồng giao hết cho cấp xã, cán bộ y tế không có chuyên môn, làm kiêm nhiệm, kinh phí, nguồn lực hỗ trợ không đáng kể và việc quản lý các đối tượng này rất khó khăn nên việc quản lý tại gia đình, cộng đồng rất khó trong tổ chức cai nghiện. Theo quy định mới, giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ chỉ định một tổ chức dịch vụ cai nghiện, cơ sở y tế nào đó đủ điều kiện để tổ chức cai nghiện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang